Ngày 10/11/2021, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức hội thảo “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng đưa tin, phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định, phát triển đô thị thông minh đã trở thành lựa chọn thiết thực tại các đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống và năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 vừa qua.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng chia sẻ, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu lượng hóa các tiêu chí về đô thị thông minh ở các lĩnh vực quy hoạch đô thị, hạ tầng đô thị, kiến trúc đô thị, vận hành đô thị (gồm cấp nước, xử lý rác thải, giao thông, thông tin liên lạc, nhà ở, y tế, giáo dục…), tiện ích cho người dân, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại hội thảo “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (nguồn ảnh: xaydung.gov.vn).

Cụ thể, Bộ Xây dựng đang khẩn trương xây dựng các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh áp dụng toàn đô thị, khu vực đô thị phù hợp với Việt Nam; xây dựng nền tảng pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư và các dữ liệu không gian đô thị khác...

Về lộ trình thực hiện, đến năm 2025, hạ tầng băng thông rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình tại đô thị; hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai phát triển đô thị thông minh; ít nhất 3 đô thị từ loại II trở lên thực hiện quy hoạch đô thị thông minh, 6 đô thị tại 6 vùng kinh tế có đề án tổng thể phát triển đô thị thông minh.

Dự kiến, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ là những hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh; 100% các đô thị loại II trở lên hoàn thành cơ bản việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị theo kế hoạch được duyệt.

Đến năm 2045, xây dựng ít nhất 3 - 5 đô thị thông minh tầm cỡ quốc tế; có công trình kiến trúc tiêu biểu, đô thị xanh - thông minh - chuyển đổi số tiêu biểu tầm cỡ thế giới.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, quy hoạch và quản lý thông minh là nền tảng của phát triển đô thị thông minh. Trước mắt, việc áp dụng đô thị thông minh cần trở thành ưu tiên trong phát triển các khu đô thị mới và các công trình xây dựng mới. Đối với khu vực đô thị hiện hữu, từng bước giải quyết thông minh từng phần, đảm bảo sự phù hợp về nguồn lực, năng lực và bối cảnh kinh tế xã hội địa phương.

H.A.H

Mở cuộc thi trí tuệ nhân tạo cho đô thị thông minh

Mở cuộc thi trí tuệ nhân tạo cho đô thị thông minh

Hội thi trí tuệ nhân tạo năm 2021 sẽ thúc đẩy ứng dụng vào chương trình xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh; khuyến khích các cá nhân, nhóm nghiên cứu giải quyết các bài toán quan trọng phục vụ cuộc sống.