Chiều nay, ngày 5/6/2018, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã chủ trì buổi kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT tại Bộ VHTT&DL.
Buổi làm việc còn có sự tham dự có Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên, đại diện Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ (VPCP) cùng các Cục, Vụ chức năng liên quan của Bộ TT&TT và Bộ VHTT&DL.
Thông tin về tình hình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại Bộ VHTT&DL, đại diện Bộ này khẳng định, tại Bộ VHTT&DL, lãnh đạo Bộ rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp và hướng tới xây dựng, vận hành Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ. Bộ máy tổ chức triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã từng bước đi vào vận hành.
Về ứng dụng CNTT trong nội bộ Bộ VHTT&DL, theo báo cáo, Bộ đã hoàn thành kết nối, liên thông thành công phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ trong năm 2016. Năm 2017, theo chỉ đạo của VPCP, Bộ VHTT&DL là 1 trong 2 bộ, ngành được Văn phòng Chính phủ lựa chọn thí điểm hoàn thiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa VPCP với Bộ, tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ trên trục liên thông. Đến nay, Bộ VHTT&DL đã hoàn thành nhiệm vụ liên thông hệ thống quản lý văn bản 4 cấp hành chính trên trục liên thông văn bản của VPCP phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTT&DL.
Bộ VHTT&DL đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, các đơn vị có liên quan triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên ngành trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc để đảm bảo các văn bản điện tử gửi lên trục liên thông được ký số, cấp dấu thời gian sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ.
Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương hoàn toàn dưới dạng điện tử là 30%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy là 65%; tỷ lệ giữa tổng số văn bản điện tử/ tổng số văn bản giấy là 53,47%.
Cùng với đó, hiện nay, yêu cầu sử dụng các phần mềm ứng dụng dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ đã được triển khai đồng bộ tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Việc ứng dụng các phần mềm dùng chung này đã phát huy tác dụng trong hoạt động của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ trong công tác giám sát, đôn đốc quá trình giải quyết công việc, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc thông qua ứng dụng CNTT. Các phần mềm ứng dụng cơ bản và chuyên ngành đã giúp chia sẻ, kết nối thông tin và liên kết trong xử lý, trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan thuộc Bộ với nhau, giữa cơ quan, đơn vị với Lãnh đạo Bộ và giữa Bộ với Chính phủ, VPCP.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho người dân và doanh nghiệp, Bộ VHTT&DL đã xây dựng, duy trì vận hành ổn định Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ http://bvhttdl.gov.vn; đăng tải đẩy đủ các thông tin, các báo cáo tổng hợp, thống kê thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý, dự thảo văn bản cần xin ý kiến thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ.
Dịch vụ công trực tuyến của Bộ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và tại hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ tại địa chỉ http://dichvucong.bvhttdl.gov.vn. Thống kê của Bộ VHTT&DL cũng cho thấy, Bộ đã cung cấp tổng cộng 36 DVCTT mức 3, 4. Đến nay, hầu hết các DVCTT mức độ 3,4 có thời gian giải quyết rất ngắn, đặc biệt với các thủ tục hành chính phát sinh nhiều hồ sơ từ người dân và doanh nghiệp như tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Di sản văn hóa thời gian giải quyết trên môi trường mạng từ 5-13 ngày.
“Hơn nữa, với việc cung cấp dịch vụ công trên môi trường mạng đã giảm thiểu được số lần người dân và doanh nghiệp phải đến giao dịch trực tiếp tại cơ quan thực hiện thủ tục hành chính thuộc Bộ VHTT&DL. Trường hợp, phải chỉnh sửa bổ sung hồ sơ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã gọi điện trao đổi và hướng dẫn cách thực hiện, hạn chế việc phải đi lại của người dân và doanh nghiệp”, đại diện Bộ VHTT&DL chia sẻ.
Ngoài ra, hệ thống DVCTT của Bộ VHTT&DL đã kết nối thành công với hệ thống thông tin của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam làm tiền đề cho việc tiếp nhận và trả hồ sơ giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ cũng giúp ích cho người dân và doanh nghiệp rất nhiều trong việc thực hiện thủ tục hành chính với các cơ quan của Bộ VHTT&DL.
Tuy nhiên, đối với DVCTT, tỉ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, chỉ có 4/32 DVCTT mức 3 và 3/4 DVCTT mức 4 phát sinh hồ sơ trực tuyến, chiếm 18,4%.
Chia sẻ về tình hình xây dựng, triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử, đại diện Bộ VHTT&DL cho biết, chủ trương xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ VHTT&DL đã được phê duyệt và giao Trung tâm CNTT tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT và trình phê duyệt trong năm nay. Tuy nhiên, để triển khai nhiệm vụ, Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn do ngành VHTT&DL có tính đặc thù cao nên việc xác định các quy trình nghiệp vụ để tin học hóa và đưa ra mô hình tổng thể hóa ứng dụng CNTT tương đối phức tạp. Mặt khác, Bộ VHTT&DL đang gặp khó khăn về kinh phí triển khai.
Trong phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao nỗ lực ứng dụng CNTT của Bộ VHTT&DL với những bước tiến vượt bậc trong chỉ số về hiện đại hóa hành chính trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ (PAR Index 2017).
Liên quan đến các DVCTT có số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh còn hạn chế, Thứ trưởng lưu ý Bộ VHTT&DL cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao người dân, doanh nghiệp ít sử dụng dịch vụ này, do khả năng sử dụng CNTT của người dân, DN chưa cao hay do việc sử dụng dịch vụ này không thuận lợi. Từ đó đưa ra các biện pháp “kích cầu” sử dụng các DVCTT này.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng đề nghị Bộ VHTT&DL cần khẩn trương ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Bởi lẽ, đây là vấn đề quan trọng, giúp tăng cường sự kết nối, liên thông và góp phần giảm chi phí đầu tư.