Nghề chính của tôi là giảng viên đại học. Ngoài giờ chính khóa, tôi dành nhiều thời gian tham gia thỉnh giảng tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp nghề. Cuối tuần, tôi tranh thủ thời gian vào trường dạy kèm cho các em học sinh yếu. 

Năm ấy, lớp 6 tôi chủ nhiệm có một em học lực rất đuối. Cậu bé bị mất căn bản và tiếp thu chậm so với các bạn cùng lớp. Tôi hỏi gì em cũng lắc đầu không biết, chỉ giương đôi mắt to ngơ ngác nhìn tôi sau đôi kiếng cận. Việc viết một đoạn văn ngắn hoặc làm một bài toán đơn giản với em cũng là điều khó khăn. Chậm chạp và cực kỳ rụt rè, cậu bé hay lủi thủi chơi một mình hoặc trốn vào góc lớp, né tránh ánh nhìn của giáo viên.

Ở ngôi trường tôi đang thỉnh giảng, học sinh yếu được phụ đạo miễn phí cho đến khi tiến bộ hơn. Tôi đã yêu cầu cậu bé phải đi học phụ đạo thứ bảy và chủ nhật. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng giúp ích gì cho em. Gần một tháng trời học phụ đạo, em vẫn không tiến bộ chút nào. 

Tôi muốn xin học để tối về dạy lại cho con

Một sáng thứ bảy, tôi bước vào lớp thì bất ngờ gặp cha của cậu học sinh ấy. Người đàn ông có gương mặt khắc khổ, đứng lấp ló ngoài cửa, khẽ khàng chào tôi. Tôi ngạc nhiên: “Có việc gì không anh?”. 

Bố cậu bé ngập ngừng nói: “Dạ. Tôi muốn xin cô vào lớp cùng học với con trai. Suốt mấy hôm nay, tôi đứng ngoài cửa lớp, lén nhìn nhưng bảng xa quá nên không trông thấy rõ. Tôi muốn xin học để tối về dạy lại cho con. Tôi biết con tôi học chậm lắm”. 

Mấy lời giải thích giản đơn của vị phụ huynh khiến tôi xúc động. Được sự đồng ý của tôi, hai cha con lặng lẽ ngồi cạnh nhau ở cuối lớp. Thi thoảng, tôi khẽ để ý thấy vị phụ huynh ghi chép rất nghiêm túc, bút đỏ bút xanh rõ ràng, khi đến và khi về đều gật đầu chào tôi chân thành. 

Ban đầu, tôi cứ ngỡ vị phụ huynh này chỉ học một vài hôm. Nhưng không, hai bố con đã kiên trì đồng hành với nhau suốt một thời gian dài. Bất ngờ hơn, cậu bé đã tiến bộ một cách rõ rệt, ban đầu chỉ viết được một vài câu, sau đó có thể viết một đoạn văn dài. Sự nhẫn nại và tình yêu thương của người bố đã giúp em học sinh tiến bộ lên từng ngày. Cuối năm học, em ấy đủ điểm lên lớp 7.

Ngày họp phụ huynh năm đó, cuối buổi bố cậu bé nán lại: “Cám ơn cô đã rất kiên trì với con trai tôi. Tôi biết không phải giáo viên nào cũng chịu cho phụ huynh cùng đồng hành vào lớp. Cô đã không ngại sự có mặt của tôi mà ngược lại còn tận tình hỗ trợ cho hai bố con. Công ơn này của cô tôi không biết lấy gì để đền đáp”.

Nói xong, hai bố con trân trọng cúi đầu cảm ơn tôi. Dù đã đi dạy nhiều năm, tiếp xúc với vô số phụ huynh học sinh nhưng lời cám ơn chân thành ấy vẫn khiến tôi vô cùng xúc động. 

Câu chuyện của hai bố con cậu học sinh “chậm tiếp thu” đó đã giúp tôi nhận ra một điều, học sinh dù học lực yếu, năng lực tiếp thu kém nhưng có sự nỗ lực, kiên trì của gia đình và thầy cô, chắc chắn sẽ có lúc thay đổi. Tôi cũng thấm thía được rằng không phải những hình phạt, những bản kiểm điểm mà chính sự nhẫn nại, tình yêu thương, lòng bao dung trong quá trình học tập của thầy cô, gia đình mới là điều khiến các em tiến bộ.  

Trần Hoài Phương 

Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn "Có học sinh dốt thật không?", mong nhận được ý kiến của độc giả.

Đóng góp xin gửi về [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!