“Không hiểu mọi người lấy cơ sở ở đâu để cho rằng chúng tôi bán đổ bán tháo Hãng phim. Chúng tôi có quy trình định giá đàng hoàng minh bạch", đại diện Bộ VHTTDL nói trong cuộc gặp khẩn báo chí chiều 5/5 tại văn phòng Bộ.

Sau loạt bài của VietNamNet xung quanh việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam cùng sự vào cuộc của truyền thông gây chú ý dư luận, chiều 5/5, Bộ VHTT&DL đã có buổi gặp gỡ báo chí thông báo về kế hoạch cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam để làm sáng rõ hơn một số điều mà báo chí đã nêu trong thời gian qua. Cuộc gặp mặt do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì, với sự tham dự của ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính; Giám đốc VFS – đạo diễn Vương Đức.

{keywords}

Quang cảnh cuộc họp báo chiều 5/5 tại Hà Nội

Hãng phim truyện Việt Nam bị ‘bán đổ bán tháo’?

Tại buổi gặp gỡ, đại diện Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã nói những cái khó của việc cổ phần hoá các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực phim ảnh. Thứ trưởng cho biết, có 5 đơn vị điện ảnh trực thuộc Bộ trong quá trình cổ phần hoá, có Hãng phim tài liệu không thể cổ phần vì lý do đặc thù và đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên với 100% vốn của Nhà nước thì 3 đơn vị khác là Hãng phim truyện 1, Hãng phim giải phóng, Hãng phim hoạt hình, dù kêu gọi cổ phần hoá nhưng cũng không ai ngó ngàng tới.

Riêng với Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã có kế hoạch cổ phần hoá theo chủ trương của Nhà nước từ lâu nhưng nhiều đơn vị đến rồi lại đi, chỉ có duy nhất Công ty Vivaso là đến phút chót thì dám mua Hãng. Việc cổ phần hoá ở Hãng phim truyện Việt Nam thì Nhà nước chiếm 20%, còn lại nhà đầu tư chiến lược chiếm 80%.

Thứ trưởng cho rằng, nhiều ý kiến đặt ra là việc một công ty vận tải làm thế nào để điều hành một hãng phim là điều dễ hiểu nhưng với luật doanh nghiệp mới, họ có quyền mua và họ vẫn có thể thuê người tài, người giỏi điều hành, họ chỉ có nhiệm vụ bỏ vốn.

Tuy nhiên, có 7 cam kết mà nhà đầu tư chiến lược bắt buộc phải thực hiện để ‘trụ được’ là: Cam kết với Nhà nước, Bộ VHTT&DL 90% doanh thu Doanh nghiệp cổ phần hóa phải từ phim chứ không mặt hàng khác; Cam kết trả tiền thuê đất Hãng phim Việt Nam nợ; Cam kết đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc làm phim; Cam kết tuân thủ phương pháp sử dụng đất sau cổ phần hóa để phục vụ sản xuất phim; Cam kết sử dụng toàn bộ số lao động của Hãng phim có nguyện vọng về công ty cổ phần. Tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ; Cam kết sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ cổ phần hóa đầu tư sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất, trả nợ, còn lại 20% đấu thầu sản xuất phim; Cam kết cử người vào Hội đồng gồm: 1 người trong Hội đồng quản trị, 1 người trong Ban giám đốc và 1 người trong Ban kiểm soát.

Nói theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, Nhà nước vẫn có ‘gậy’ pháp lý để kiểm soát hoạt động của Hãng phim sau khi cổ phần và buộc phải đổi tên là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.

Trả lời về việc có nhiều ý kiến cho rằng Hãng phim truyện Việt Nam bị ‘bán đổ bán tháo’, ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính cho rằng: “Không hiểu mọi người lấy cơ sở ở đâu để cho rằng chúng tôi bán đổ bán tháo Hãng phim. Chúng tôi có quy trình định giá đàng hoàng minh bạch. Mọi người nên hiểu rằng, khu đất vàng mà Hãng phim đang ngự lại là đất thuê cho nên khi định giá, không thể tính cả giá trị khu đất đó vào được. Kể cả nhà đầu tư chiến lược sau này hoạt động tại đây, họ cũng phải trả tiền thuê. Tất nhiên, dưới sự bao cấp của Nhà nước trước kia, Hãng phim truyện Việt Nam được thuê với giá ưu đãi, khi cổ phần chắc chắn giá sẽ phải cao hơn”.

Cổ phần vẫn còn hơn là chết

{keywords}
Trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam trước thời điểm cổ phần hóa. Ảnh: H.Hoàng

Cũng tại buổi gặp mặt báo chí, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm đó quyền sử dụng đất của Hãng Phim truyện Việt Nam sau khi được chuyển giao cho Tổng ty Vận tải thủy. Có hay không việc sử dụng sai mục đích, Nhà nước thì không thể ‘thò tay’ vào quá sâu vì chỉ chiếm 20% cổ phần? ÔngTrần Hoàng khẳng định: “Những cam kết nếu không được thực hiện sẽ được yêu cầu bồi thường thiệt hại theo chế tài. Trong đó, nếu vấn đề sử dụng đất không đúng mục đích, Bộ VHTT&DL sẽ đề nghị thu hồi quyền sở hữu đất. Ở điều khoản này đã có những quy định hết sức ngặt nghèo”.

Theo Bộ VHTTDL, suốt 20 năm qua lũy kế nợ của Hãng phim tính đến ngày 30/09/2014 là 39 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ năm 2004 đến 30/09/2014 là 37 đồng. Số lỗ từ năm 1998 trở về trước là 1,9 tỷ đồng (chưa tìm được nguyên nhân). Công ty đã tiến hành giải trình khoản lỗ lũy kế và cho thấy rằng hoạt động làm phim do Nhà nước đặt hàng từ năm 2004 đến 30/09/2014 có số lỗ lũy kế là 34 đồng; số lỗ lũy kế của hoạt động tự doanh từ năm 2004 đến 30/09/2014 là 3,3 tỷ đồng.

Chính những khoản lỗ kéo dài như vậy, Thứ trưởng cho rằng: "Khi đã gia nhập WTO, TPP chúng ta phải tuân thủ luật chơi. Hãng phim truyện Việt Nam chỉ có con đường là phải cổ phần hóa, nếu không sẽ phải phá sản, mà phá sản thì sẽ mất luôn thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Theo Luật Doanh nghiệp hiện nay, nhà nước không thể tài trợ cho những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, VFS chắc chắn phải cổ phần".

Theo Đạo diễn Vương Đức – Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam: “Cá nhân tôi không thích thú việc cổ phần, thậm chí là đau xót, tủi thân khi nhà nước không cần chúng tôi nữa. Đây là tâm trạng của hầu hết anh em cán bộ hãng phim. Chúng tôi là đơn vị được chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập, chúng tôi đã đóng góp nhiều thành tựu”.

Tuy nhiên theo ông Đức thì “Cổ phần vẫn còn hơn là chết”. “Chúng ta phải cổ phần, 100% cán bộ đồng ý việc cổ phần hóa. Việc cổ phần có 6/7 người đồng ý việc chọn Công ty vận tải đường thủy nên không có chuyện là không minh bạch. Với cương vị giám đốc Hãng phim, tôi từng tiếp rất nhiều đơn vị đến nói chuyện, tham khảo về việc có nên mua cổ phần Hãng phim không nhưng họ đến rồi lại đi, không nêu lý do”, ông Đức cho hay.

Tình Lê