Chủ trì Hội thảo, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho hay, theo quy định tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cần phải đổi mới, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Để triển khai các văn bản trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77 ngày 12/5/2023 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, giao Bộ tư pháp chủ trì, xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”.
Để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương khảo sát và đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác PBGDPL nhằm xây dựng Đề án.
Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh rằng Đề án này có những đặc thù khác so với các Đề án trước. Ngoài việc tập trung vào pháp luật và việc đưa pháp luật vào cuộc sống, Đề án còn bao gồm các đề xuất và giải pháp liên quan đến công nghệ. Dựa trên đó, Cục PBGDPL đã xây dựng dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”.
Ông Phan Hồng Nguyên mong muốn các đại biểu là chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực PBGDPL và công nghệ thông tin sẽ đóng góp ý kiến và đề xuất giải pháp cho việc chuyển đổi số trong PBGDPL, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tổ chức các cuộc thi trực tuyến, đào tạo và bồi dưỡng, nhằm hoàn thiện và bổ sung cho dự thảo Đề án này.
Ứng dụng công nghệ-chìa khóa nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Trình bày tóm tắt dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”, bà Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, cho biết Đề án tập trung vào 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Mục tiêu là tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức PBGDPL cho người dân và doanh nghiệp, chuyển từ cách làm truyền thống sang môi trường số. Đề án sẽ đảm bảo thông tin được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, kịp thời và thuận tiện, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng công tác PBGDPL.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận từ các chuyên gia về công tác PBGDPL và ứng dụng công nghệ thông tin. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Đề án, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất và giải pháp thiết thực. Trong đó, nổi bật là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động Hỏi đáp pháp luật và giới thiệu văn bản chính sách mới. Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất xây dựng các dự án liên quan đến AI, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL trên môi trường mạng, đặc biệt đối với báo cáo viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở. Họ cũng đề xuất tổ chức các lớp bồi dưỡng và tập huấn về kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng PBGDPL dưới hình thức đào tạo trực tuyến, nhằm tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện hơn với đối tượng cần được hỗ trợ.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên thay mặt Cục cảm ơn các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia. Ông bày tỏ sự trân trọng đối với 15 lượt ý kiến trách nhiệm, bổ ích và thiết thực đã được các chuyên gia đưa ra nhằm hoàn thiện Đề án "Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030".
Ông Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh rằng Đề án này hết sức cần thiết, không chỉ là giải pháp cho công tác chỉ đạo và điều hành của Thủ tướng và Chính phủ, mà còn cung cấp cơ sở pháp lý để bố trí nguồn lực và tạo ra sự chuyển biến. Ông cũng bày tỏ mong muốn khi Đề án được phê duyệt, các cơ quan, đơn vị và chuyên gia sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Tư pháp và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình triển khai Đề án này.