Ngày 1/6, các công tố viên quận phía Nam New York đã truy tố và bắt giữ Nathaniel Chastain, cựu quản lý sản phẩm của chợ trực tuyến OpenSea do sử dụng thông tin mật để trục lợi cá nhân. Cáo buộc bao gồm gian lận chuyển tiền và rửa tiền liên quan giao dịch nội gián các mã hoá thông báo không thể thay thế (NFT).
Theo đó, Chastain được giao phụ trách việc lựa chọn các NFT xuất hiện trên trang chủ của OpenSea. Các thông tin này là bí mật, được giữ kín do việc xuất hiện trên trang chính thường dẫn đến những cú nhảy vọt về giá đối với NFT đó cũng như các NFT cùng người sáng tạo.
Từ tháng 6 đến tháng 9/2021, Chastain đã bí mật mua vào các NFT ngay trước thời điểm “niêm yết” trên trang chủ, sau đó bán lại "gấp từ 2-5 lần so với giá mua”. Để che giấu hành vi của mình, cựu quản lý OpenSea sử dụng các địa chỉ ví tiền điện tử và tài khoản ẩn danh trên chính nền tảng chợ trực tuyến này.
“NFT có thể mới, nhưng loại tội phạm này thì không. Các cáo buộc ngày hôm nay cho thấy sự cam kết của cơ quan chức năng đối với việc ngăn chặn tình trạng giao dịch nội gián đang diễn ra trên thị trường chứng khoán và blockchain”, thẩm phán Damian Williams cho hay.
Trong khi đó, Trợ lý giám đốc FBI Michael J. Driscoll nói rằng cơ quan điều tra sẽ tiếp tục trấn áp những đối tượng thao túng thị trường.
Sau vụ việc, OpenSea đã cập nhật 2 chính sách mới bao gồm cấm thành viên công ty mua bán các bộ sưu tập hoặc người sáng tạo đang được công ty quảng bá, cũng như cấm nhân viên “sử dụng thông tin bí mật để mua bán NFT dù có sẵn trên OpenSea hay không”.
Khoảng trống pháp lý trong hệ sinh thái crypto
NFT đang tồn tại trong vùng xám hợp pháp. Chúng không được chính thức coi là chứng khoán, cũng như không có nhiều tiền lệ pháp lý về tài sản kỹ thuật số nói chung.
Chuyên gia phân tích dữ liệu fintech Boaz Sobrado nhận định vụ bê bối OpenSea cho thấy tính minh bạch của blockchain khiến công nghệ này trở thành công cụ mạnh mẽ để theo dõi hành vi bất chính, do các giao dịch đều được công khai và lưu trữ mãi mãi. Tuy nhiên, các nhà quản lý vẫn chưa thể tận dụng triệt để đặc tính này.
“Hiện có nhiều cuộc thảo luận về quy định, nhưng các đối tượng xấu rõ ràng là đang vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý không cần mở rộng quyền hạn để trấn áp loại gian lận này”, Sobrado cho biết.
Hành vi phạm pháp của Chastain chỉ là một trong nhiều cách thao túng thị trường trong lĩnh vực crypto. Ngoài ra, các đối tượng có thể sử dụng bot tự động để lướt sóng, tối đa hoá lợi nhuận với hành vi “front-running” (chạy trước) chỉ với thời gian tính bằng mili giây.
Tương tự như thị trường tài chính truyền thống, front-running chỉ việc nhà giao dịch giành được lợi thế do “biết trước” thông tin về một giao dịch trong tương lai có thể dẫn tới thay đổi lớn về giá. Khi đó, hệ thống bot tự động đặt lệnh trước thời điểm giao dịch chính diễn ra và ngay lập tức xả hàng sau khi giá bật tăng.
Năm 2021, số liệu theo dõi của CyberNews cho thấy các giao dịch “lướt sóng” này thu lời hơn 12 triệu USD mỗi ngày. Như vậy, các nhà đầu tư có thể thiệt hại gần 280 triệu USD/tháng và hàng tỷ USD mỗi năm do buộc phải mua vào giá không như mong đợi.
Vinh Ngô (Tổng hợp)