Trao đổi tại hội thảo Những thách thức của khoa học, CNTT, cách mạng 4.0 và Blockchain đến ngành tài chính - kế toán ngày 14/11 được tổ chức bởi Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), ông Nguyễn Cảnh Thăng, Phó Trưởng phòng Pháp luật kinh tế ngành, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết hiện nay các hoạt động giao dịch về tài sản ảo, tiền ảo (như Bitcoin) hiện chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh.

Liên quan đến đến vấn đề tiền ảo, tiền điện tử và tài sản ảo, bước đầu để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho vấn đề này, ngày 21/8/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1255 phê duyệt đề án về quản lý và xử lý vấn đề tiền ảo, tiền điện tử và tài sản ảo.

Quyết định nêu rõ, trong giai đoạn 3 năm tới, từ 2017-2020, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ ngành khác có liên quan theo chức năng quản lý của mình sẽ rà soát thực trạng, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp để xây dựng pháp luật hoàn thiện hơn.

Ông Thăng nhấn mạnh, nhiều người cho rằng Bitcoin là tiền điện tử nhưng thực tế chưa có quy định nào của pháp luật Việt Nam quy định liên quan cụ thể đến việc coi Bitcoin là tiền điện tử.

Cũng có quan niệm cho rằng Bitcoin chỉ là một loại tiền ảo được hình thành trên các công nghệ mạng, phần mềm máy tính và được trao đổi, giao dịch với nhau nhưng vấn đề điều chỉnh hiện nay chưa được pháp luật quy định.

Trao đổi thêm, ông Thăng cho hay trên thế giới, chính phủ nhiều nước đang bắt đầu quan tâm đến tiền ảo, tiền điện tử và tài sản ảo dưới góc độ pháp lý cũng như quản lý nhà nước.

Châu Âu xem việc chuyển đổi từ Bitcoin sang tiền pháp định không phải chịu thuế giá trị gia tăng, xem đó như là phương tiện thanh toán. Còn Bộ Luật dân sự Trung Quốc bản dự thảo năm 2016 đã đề cập bước đầu ghi nhận về tài sản ảo.

Vị đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh, cùng với sự phát triển nhanh và thay đổi liên tục của công nghệ kể cả giao dịch tài chính cũng như CNTT làm cho tiền ảo có thể được tạo ra lớn về số lượng, giá trị, quy mô… Việc tạo ra một khung khổ pháp lý để quản lý vấn đề này đang được đặt ra nhiều thách thức.

Tại Việt Nam, Bộ Luật dân sự chưa có quy định cụ thể về tiền ảo, nhưng nếu xem là các tài sản ảo trong giao dịch được công nhận đó là quyền tài sản thì phải có cơ chế bảo vệ. Điều này cũng đặt ra vấn đề phải hoàn thiện khung khổ pháp luật để cơ quan Nhà nước quản lý các hoạt động này, hạn chế rủi ro, đảm bảo hệ thống an toàn trong thanh toán…

“Tài sản ảo rất đa dạng, việc nhận diện tài sản ảo, tiền ảo hay xem tiền ảo có phải là tài sản ảo hay không thì vẫn đang được xem xét, nghiên cứu để tiếp tục điều chỉnh trong việc xây dựng các quy định, bao quát được các vấn đề, tạo ra cơ sở pháp lý trong xử lý”, ông Thăng nói.

Ví dụ khi mua bán tài sản ảo trên mạng bằng tiền thật. Khi chuyển đổi tài sản ảo qua tiền thật nếu có tranh chấp phát sinh xảy ra thì việc giải quyết xử lý cũng phải có các quy định rõ ràng của pháp luật.

Các chính sách để điều chỉnh vấn đề này một mặt phải nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, mặt khác cần có thời gian tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến tài chính công nghệ do công nghệ thay đổi liên tục, đặt ra thách thức trong việc xây dựng được chính sách mang tính ổn định trong thực tế.

Trao đổi thêm về định hướng hoàn thiện chính sách pháp luật Việt Nam thời gian tới, ông Thăng cho biết cơ quan chức năng đang từng bước rà soát. Năm 2018 sẽ hoàn thiện đề xuất xây dựng chính sách đối với vấn đề điều chỉnh về tài sản ảo, tiền ảo, rà soát để sửa đổi hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với tiền điện tử.

Sau khi xác định được các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử sẽ rà soát sửa đổi các kênh quy định của pháp luật về tố tụng, chế tài áp dụng với lĩnh vực này, nhằm đảm bảo pháp luật phù hợp với bối cảnh hội nhập và thông lệ quốc tế, hạn chế các rủi ro phát sinh.