Sáng 6/3, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra buổi họp Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 2/2019. Tại đây, đã có nhiều thông tin quan trọng được chia sẻ liên quan đến lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin.

Theo đó, trong tháng 2 năm nay, Bộ TT&TT đã phát hiện và cảnh báo về 474 sự cố tấn công mạng, trong đó có 16 trường hợp nhằm vào tên miền .gov.vn Đồng thời, các đơn vị trong Bộ cũng đã phát đi cảnh báo và tiến hành ngăn chặn việc kết nối đến 52 máy chủ điều khiển các tập tin mã độc tấn công có chủ đích vào các tổ chức hạ tầng quan trọng quốc gia.

Trong tháng 2/2019, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã bước đầu triển khai rà quét, xử lý phần mềm độc hại trong một số cơ quan nhà nước quan trọng, tiến tới tiếp tục mở rộng rà quét toàn bộ các cơ quan, tổ chức nhà nước trên địa bàn thành phố.

Đối với lĩnh vực viễn thông, trong tháng vừa qua, Cục Bưu điện Trung ương đã phối hợp cùng Cục Viễn thông và Cục Tần số VTĐ hoàn thành tốt việc phục vụ thông tin liên lạc tại Trung tâm báo chí và các khu vực liên quan phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Chất lượng mạng viễn thông qua đó nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là công tác chấn chỉnh việc triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao của Bộ TT&TT.

{keywords}
Số liệu mới nhất về tình hình triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Nguồn: Cục Viễn thông. 

Theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến 04/3/2019, tỷ lệ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao thành công của các doanh nghiệp viễn thông là 31,8% với MobiFone, 71,1% với VinaPhone, 85,1% với Viettel và 29.9% với Vietnamobile.

Như vậy có thể thấy, so với số liệu hồi đầu tháng 2/2019, tỷ lệ người dùng đăng ký thành công dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đã tăng lên trông thấy, đặc biệt với 2 nhà mạng là MobiFone (tăng từ 23,09% lên 31,8%) và Vietnamobile (từ 6,51% lên 29,9%).

Để giải quyết dứt điểm tình trạng doanh nghiệp cố tình giữ chân thuê bao chuyển mạng giữ nguyên số, Cục Viễn thông và lãnh đạo Bộ TT&TT đã có buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ triển khai đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dùng gặp rắc rối về vấn đề chuyển mạng.

Mục tiêu của Cục Viễn thông trong tháng 3 là  thực hiện giải pháp nhằm nâng tỷ lệ thành công của chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao đạt tỷ lệ 90% trong tháng 3/2019.

Trong tháng 2 vừa qua, Bộ TT&TT cũng ghi nhận 3.976 lượt phản ánh tin nhắn rác. Số lượt phản ánh tin nhắn rác giảm 56,7% so với tháng 2/2018 (9.190 lượt phản ánh).

Phát biểu chỉ đạo về việc xử lý tin nhắn rác, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị trong ngành phải giải quyết dứt điểm tình trạng SIM rác trong tháng 3/2019, kiên quyết không để tình trạng này kéo dài.

{keywords}
Tình trạng xử lý SIM rác của Bộ TT&TT cũng đạt kết quả khá tích cực trong thời gian qua. 

Chỉ đạo chung cho lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng yêu cầu Cục Tần số VTĐ trong tháng 3 phải thực hiện đấu thầu tần số mới cho dịch vụ 4G.

Về vấn đề thanh toán điện tử, thẻ cào, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là việc cần phải làm nhanh, góp phần giảm gánh nặng, tạo ra không gian mới để doanh nghiệp phát triển.

Tại buổi họp giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc lại một số vấn đề mà Bộ TT&TT phải nắm vai trò dẫn dắt. Đó là việc triển khai roaming một giá cước cho khu vực ASEAN, các buổi hội thảo về 5G, tìm giải pháp biến Việt Nam thành trung tâm cyber security cho các nước Đông Nam Á, cùng với đó là việc đào tạo nhân lực ICT cho các nước ASEAN.

Bộ TT&TT trình Thủ tướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Về tình hình thực thi pháp luật, trong tháng 2/2019, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo điện tử Người tiêu dùng về hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài "Nhiều cấp dưới bị bắt giam và kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân "vào lò"?" đăng trên báo điện tử Người tiêu dùng ngày 27/12/18.

Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã tiếp nhận và đang xử lý kiến nghị do Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam gửi đến liên quan đến Quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh tại Việt Nam mùa giải 2019-2022.

Về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, Bộ TT&TT đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trong tháng 2/2019, Bộ cũng đã triển khai vận hành tốt Trung tâm báo chí, truyền thông phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. 

{keywords}
Buổi họp Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 2/2019 của Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã và đang tích cực chỉ đạo các cơ quan báo chí nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo khát vọng về một Việt Nam hùng cường, hạn chế đăng các bài viết làm xói mòn sức mạnh, niềm tin của đất nước. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được Bộ quan tâm là việc nghiên cứu về tin giả (fake news) và các phương thức xử lý hành vi tung tin giả trên mạng xã hội.

Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Công an và 3 doanh nghiệp VNPT, Viettel, FPT để làm việc với Facebook nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại, qua đó, đề xuất phương án phối hợp với các nhà mạng để ngăn chặn thông tin xấu độc trên Facebook, Google.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại một lần nữa về phương án hỗ trợ băng thông nhằm giảm bớt chi phí cho các cơ quan báo chí.

Về chủ trương đặt hàng báo chí mà Bộ đã và đang khởi xướng, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc hỗ trợ 30% thu nhập cơ bản cho nhóm đối tượng này chỉ chiếm 0,4 phần nghìn ngân sách. Trong khi đó, hành động này sẽ giúp các cơ quan báo chí giảm bớt khó khăn và cảm nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ để yên tâm phụng sự tổ quốc tốt hơn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các đơn vị thuộc Bộ về việc theo dõi, tổng hợp thông tin mà các chuyên gia, báo chí và mạng xã hội đang nói về ngành. Theo Bộ trưởng, đây chính là nguồn dữ liệu đầu vào để các đơn vị thuộc Bộ thay đổi, cải cách thường xuyên. Bộ TT&TT sẽ lắng nghe ý kiến người dân bằng mọi cách.

Trọng Đạt