Ngày 5/10/2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương đã chủ trì buổi làm việc về tình hình triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0).

Theo báo cáo của Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ TT&TT đã chủ động tham mưu cho Đảng và Chính phủ từ trước khi ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg. Từ năm 2016, Bộ TT&TT đã nắm bắt trước xu thế của Cách mạng 4.0 sau khi Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra đầu năm 2016 tại Davos (Thụy Sỹ). Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ TT&TT đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Bộ TT&TT đã gửi văn bản đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ chi tiết các nội dung 3 nhóm nhiệm vụ của Bộ TT&TT trong giai đoạn 2017-2020. Đối với nhiệm vụ 1, Bộ TT&TT đã tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh doanh công nghệ mới. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa CNTT-TT, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông chú trọng hoàn thiện mạng truyền thông di động 4G, bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định trong toàn quốc từ năm 2018, có chính sách tiếp cận, nghiên cứu và phát triển 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.

Đối với nhiệm vụ 2 về tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp CNTT-TT có vai trò then chốt trong Cách mạng 4.0, ưu tiên chú trọng phát triển nhân lực CNTT, đặc biệt là nhân lực về an toàn, an ninh thông tin.

Đối với nhiệm vụ tuyên truyền, Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, định hướng dư luận và có nhận thức đúng đắn về Cách mạng 4.0.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ xem xét để ban hành Kế hoạch hành động của Bộ TT&TT thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Đồng thời, lưa chọn thúc đẩy triển khai một số sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của ngành cả trong và ngoài nước.

Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra kiến nghị đối với Bộ Khoa học và Công nghệ về ưu tiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực CNTT-TT có vai trò then chốt trong Cách mạng 4.0 như công nghệ viễn thông băng rộng, trí tuệ nhân tạo, IoT, phân tích dữ liệu và dữ liệu lớn. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và xây dựng Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trọng điểm về trí tuệ nhân tạo sẵn sàng cho Cách mạng 4.0” trình Thủ tướng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương cho hay, 5 tháng năm 2017 chỉ là giai đoạn khởi đầu thực hiện Chỉ thị 16, trong suốt quá trình cách mạng sẽ kéo dài sẽ thay đổi theo nhịp phát triển của công nghệ. Cách mạng 4.0 là xu thế tất yếu và Việt Nam sẽ phải học các nước, tiến lên tham gia vào chuỗi cung ứng, trong đó có hai loại bộ, ngành là: bộ ngành tạo nền móng và các bộ trực tiếp ứng dụng vào sản xuất. Trong đó, vai trò của các bộ tạo nền móng như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo là giai đoạn ban đầu, trong đó cốt lõi của Cách mạng 4.0 vẫn là Internet và kết nối, do đó Bộ TT&TT có vai trò rất lớn trong Cách mạng 4.0.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng cho rằng vai trò của 4G đảm đương đến đâu khi triển khai Cách mạng 4.0, và nhu cầu của Cách mạng 4.0 cần ngành TT&TT đáp ứng những gì. Có cầu mới có cung, Bộ Khoa học và Công nghệ cần dự báo trước trong 5 năm tới Cách mạng 4.0 ở Việt Nam sẽ như thế nào, cần yêu cầu hạ tầng viễn thông ra sao để đáp ứng, trên cơ sở đó các doanh nghiệp viễn thông sẽ đầu tư để đáp ứng yêu cầu. Thứ trưởng Phan Tâm cũng yêu cầu Vụ Khoa học và Công nghệ cần có nghiên cứu hoàn thiện về chuẩn công nghệ và chuẩn thiết bị để chuẩn bị Cách mạng 4.0.