Bộ TT&TT triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Internet |
Đã có thời gian, Bộ TT&TT đứng ở thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của khối các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ.
Tuy nhiên, theo kết quả xếp hạng PAR Index mới nhất là PAR Index 2017 vừa được công bố tháng 5/2018, Bộ TT&TT đã vươn lên vị trí số 2; Rriêng về chỉ số công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, Bộ TT&TT đứng thứ nhất trong tổng số 19 bộ và cơ quan ngang bộ.
Để có được kết quả này, Bộ TT&TT đã triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp. Chẳng hạn như: Tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan; Nghiêm túc rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh và xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn cần thiết; Tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch, khuyến khích phát triển thị trường các dịch vụ thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận, xóa bỏ độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định; Tổ chức hướng dẫn các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hiệu quả hơn…
Vào trung tuần tháng 6/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 922 ban hành Kế hoạch Tổng thể thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Trong đó đưa ra một số mục tiêu đáng chú ý như: Cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực ngay trong năm 2018; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện trục tích hợp dữ liệu quốc gia để thực hiện liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ cho công tác quản lý và thực hiện giao dịch điện tử; Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử bảo đảm phù hợp với môi trường kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử. Đặc biệt, sẽ kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ TT&TT còn gặp một số khó khăn như: Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức vẫn đang dần được kiện toàn qua các nhiệm kỳ Chính phủ; Chỉ tiêu biên chế được giao của Bộ quá thấp, không tương xứng với nhiệm vụ của Bộ TT&TT, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; Nhân lực tham mưu về công tác CCHC của cơ quan thường trực CCHC của Bộ cũng như các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ rất mỏng, 100% là kiêm nhiệm, trong khi đó công việc chuyên môn quá nhiều ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu về CCHC; Tỷ lệ các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành đúng tiến độ đăng ký còn thấp; Một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước còn chưa được phân định rõ ràng giữa Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (quảng cáo và thông tin cổ động trực quan); Đề án xác định vị trí việc làm của Bộ TT&TT vẫn chưa được Bộ Nội vụ phê duyệt để làm cơ sở cho việc xác định biên chế và bố trí công chức, viên chức theo vị trí việc làm; Việc ứng dụng CNTT trong việc thực hiện thủ tục hành chính còn chưa đáp ứng yêu cầu…
Dự kiến đến năm 2020, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT sẽ triển khai 98 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Điều này đồng nghĩa với việc, toàn bộ các dịch vụ công lĩnh vực TT&TT liên quan đến người dân, doanh nghiệp thường xuyên sử dụng được triển khai ở mức độ 3, 4.