Chương trình “Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về CNTT và Truyền thông” được thực hiện nhằm bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng chuyên ngành cho lãnh đạo các Sở TT&TT và người quản lý phụ trách CNTT tại các bộ, ban ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mục tiêu được đặt ra của Chương trình là nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả trong hoạt động thực thi công vụ.
Lễ khai giảng lớp “Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về CNTT và Truyền thông”. Ảnh: Trọng Đạt |
Chương trình bồi dưỡng gồm hai phần chính. Ở phần thứ nhất, các học viên sẽ được chia sẻ kiến thức tổng quan quản lý nhà nước về TT&TT. Phần thứ nhất của chương trình đào tạo sẽ có 4 chuyên đề, bao gồm Quản lý nhà nước về TT&TT, Luật pháp trong hoạt động TT&TT, TT&TT với kinh tế, xã hội và Hợp tác quốc tế về TT&TT.
Với phần thứ 2 của chương trình, lãnh đạo các Sở TT&TT sẽ được cập nhật kiến thức quản lý nhà nước về CNTT và Truyền thông. Trong đó, bao gồm các học phần Quản lý nhà nước về CNTT, Quản lý nhà nước về viễn thông, Quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Tổng thời gian bồi dưỡng của chương trình là 160 tiết. Bao gồm 24 chuyên đề về kiến thức và kỹ năng. Trong đó có 72 tiết lý thuyết và 72 tiết thảo luận, thực hành, 8 tiết đi nghiên cứu thực tế và 8 tiết viết báo cáo thu hoạch cuối khóa.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm dự và phát biểu tại lễ khai giảng. Ảnh: Trọng Đạt |
Chia sẻ tại buổi khai giảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, dù tên lĩnh vực quản lý nhà nước là TT&TT, tuy nhiên phạm vi quản lý đã không còn chỉ là những chuyên ngành quen thuộc trong nhận thức của xã hội như bưu chính, chuyển phát truyền thống, viễn thông, Internet, ứng dụng CNTT hay báo chí, xuất bản.
Trong đó, bưu chính giờ đây là hạ tầng chuyển phát và logistic cho thương mại điện tử. Viễn thông là hạ tầng kết nối cho nền kinh tế số. CNTT là chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, thành phố thông minh. An toàn, an ninh mạng là tạo ra một không gian mạng an toàn nhằm thúc đẩy xã hội số.
Công nghiệp ICT là phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao, là công nghiệp sản xuất phần mềm, phần cứng, công nghiệp điện tử viễn thông, ứng dụng CNTT, công nghiệp nội dung số, an ninh mạng, công nghiệp sản xuất thiết bị IoT, phát triển và ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0.
Ngoài việc quản lý báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại, Báo chí truyền thông giờ đây phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường.
Thứ trưởng Phan Tâm mong muốn các Sở TT&TT phải đổi mới, nâng tầm để theo kịp sự thay đổi của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, do số lượng các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước khá lớn, trong đó có nhiều lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, điều này đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức các Sở TT&TT phải đổi mới, nâng tầm để theo kịp sự thay đổi của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Do vậy, Bộ TT&TT đã tổ chức khóa học với mục tiêu giúp lãnh đạo các Sở TT&TT có thêm kiến thức, kỹ năng mới, từ đó nâng cao sự tự tin và vai trò, đóng góp của Sở trong sự phát triển của của địa phương.
Chia sẻ với Giám đốc các Sở TT&TT, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, việc thay đổi ngành TT&TT, lấy lại tên cho mình là một hành trình vất vả nhưng vinh quang bởi nó mang lại giá trị lợi ích cho ngành, cho tỉnh và cho đất nước.
“Có rất nhiều việc mà các Sở TT&TT có thể làm và cần phải làm để thay đổi vị trí của mình. Đây cũng chính là cơ hội cho các Sở TT&TT thể hiện được vai trò không thể thay thế của mình trong sự phát triển của tỉnh nhà.”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.
Trọng Đạt