1a.png
Phát triển các điểm truy cập dịch vụ viễn thông công cộng tại điểm BĐVHX là một trong những đề án nằm trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13.

Đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Bộ TT&TT vừa ban hành Quyết định số 1293/QĐ-BTTTT ngày 19/7/2012 phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020 (phần Hạ tầng thông tin).

Mục tiêu cơ bản của Chương trình Hành động là tiếp tục phát triển nhanh CNTT-TT trở thành hạ tầng và ngành công nghiệp đồng bộ, hiện đại của nền kinh tế, đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT, góp phần quan trọng đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Để hiện thực hóa mục tiêu kể trên, Bộ TT&TT đã xác định rõ 8 nhiệm vụ chung.

Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng thông tin, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên phạm vi cả nước, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối liên ngành, liên vùng.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin. Nghiên cứu đề xuất cơ chế tài chính đặc thù để huy động vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng thông tin đến năm 2020, đảm bảo tính khả thi.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách bảo đảm môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin.

Thứ tư, ưu tiên nguồn lực để triển khai phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT chất lượng cao, tăng cường đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT-TT trong xã hội, góp phần nâng cao dân trí.

Thứ năm, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất được các sản phẩm trọng điểm về CNTT-TT.

Thứ sáu, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước; phát triển năng lực CNTT quốc gia để đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về các đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển hạ tầng thông tin của Đảng và Nhà nước.

Thứ tám, tăng cường quản lý thông tin trên mạng Internet, các mạng xã hội và blog cá nhân.

Thực hiện 3 nhiệm vụ theo từng lĩnh vực cụ thể

Bên cạnh 8 nhiệm vụ trên, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ 3 nhiệm vụ theo lĩnh vực.

Nhiệm vụ đầu tiên được Bộ TT&TT xác định sẽ chỉ đạo, thúc đẩy tổ chức thực hiện là phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông. Cụ thể là: Đẩy mạnh việc phát triển mạng truy nhập băng rộng trên cơ sở phát triển mạng truy nhập hữu tuyến (cáp quang, cáp đồng). Mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G). Phát triển các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng tại các vùng đặc biệt khó khăn trên cơ sở tận dụng năng lực của điểm BĐVHX.

Nâng cao năng lực hệ thống truyền dẫn đường dài trong nước và quốc tế; phóng các vệ tinh viễn thông phục vụ thị trường trong nước và khu vực. Triển khai thực hiện số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tăng cường chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật liên ngành nhằm bảo đảm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả. Phát triển mạng viễn thông dùng riêng của các cơ quan, tổ chức trên cơ sở tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng của mạng viễn thông công cộng, đặc biệt là mạng truyền dẫn trong nước của các doanh nghiệp viễn thông.

Xây dựng hệ thống thông tin chuyên dùng thống nhất phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh thông tin số quốc gia. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng mạng bưu chính công cộng đồng bộ, hiệu quả, an toàn, tiện lợi cho người dân và cộng đồng.

Nhiệm vụ theo lĩnh vực thứ 2 được Bộ TT&TT tập trung triển khai là ứng dụng hiệu quả CNTT trong các cơ quan Nhà nước, các ngành KT-XH, phát triển Chính phủ điện tử.

Ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động.

Tập trung cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến trình thực hiện thẻ công dân điện tử và cam kết ASEAN điện tử.

Nhiệm vụ theo lĩnh vực thứ 3 là phát triển công nghiệp CNTT. Bộ TT&TT xác định ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số, phần cứng – điện tử và dịch vụ CNTT; Tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp CNTT; ưu tiên bố trí kinh phí trong chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào lĩnh vực CNTT-TT; Ưu tiên đầu tư hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT-TT của Việt Nam. Đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới các khu CNTT tập trung. Khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông chủ đạo tăng cường đầu tư cho phát triển công nghiệp CNTT.

  

Kèm theo Quyết định số 1293/QĐ-BTTTT, Bộ TT&TT đã ban hành Phụ lục Danh mục nhiệm vụ, đề án, dự án trọng điểm triển khai Chương trình hành động, trong đó có những đề án đang được cộng đồng trông đợi như: Xây dựng Chương trình Máy tính nối mạng tri thức; Tăng cường quản lý thông tin trên mạng Internet, các mạng xã hội và blog cá nhân; Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT-TT kết nối quốc tế, hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và liên kết quốc tế; Phát triển các điểm truy cập dịch vụ viễn thông công cộng tại các địa điểm thích hợp như trường học, nhà văn hóa xã, đồn biên phòng, điểm BĐVHX…

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 90 ra ngày 27/7/2012.