Theo lãnh đạo NEAC, Nghị định về định danh và xác thực điện tử được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử đa dạng, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giao dịch điện tử. (Ảnh minh họa: Internet) |
Tại Nghị quyết 121 về hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2019 được ban hành mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan theo phân công khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định trong quý I/2020 để hoàn thiện thể chế nền tảng của Chính phủ điện tử gồm: thay thế Nghị định 110 ngày 8/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư; quy định về định danh và xác thực điện tử; quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; và Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Với dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) thuộc Bộ TT&TT cho biết, thực hiện Nghị quyết 44 ngày 24/6/2019 của Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, thời gian qua, NEAC đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong, ngoài Bộ TT&TT xây dựng dự thảo Nghị định này.
“Trung tâm đang tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để hoàn thiện dự thảo Nghị định. Dự kiến, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ trong tháng 1/2020”, đại diện NEAC cho hay.
Nói về sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc NEAC cho biết, những năm qua, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển kinh tế số đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Song song với đó, việc đảm bảo an toàn thông tin luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử, trong đó bao gồm dịch vụ hành chính công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp và các giao dịch thương mại điện tử.
Tại Việt Nam, việc định danh và xác thực các cá nhân chủ yếu dựa vào phương thức truyền thống, đó là dựa trên một số giấy tờ đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu. Trong khi đó, đối với việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, chưa có các quy định tương tự, chưa có phương thức phù hợp để xác thực định danh của cá nhân khi tham gia các giao dịch trực tuyến
Với các doanh nghiệp, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đang được sử dụng để định danh và xác thực điện tử khi thực hiện kê khai và nộp thuế qua mạng, kê khai hải quan điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử. Sử dụng chữ ký số là giải pháp xác thực điện tử tin cậy, đảm bảo an toàn, tuy nhiên còn có những hạn chế nhất định như chi phí sử dụng khá cao, việc sử dụng cần có kỹ năng CNTT nhất định. Hiện nay, mới có rất ít cá nhân sử dụng chữ ký số, trừ những đối tượng có các quy định bắt buộc sử dụng như cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước.
Đối với việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến, theo ông Trung, cổng dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương đang tự thực hiện định danh và xác thực điện tử người sử dụng dịch vụ công. Hầu hết việc định danh và xác thực điện tử được thực hiện khá đơn giản, không tuân theo quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật vì chưa có quy định pháp lý.
Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về hộ tịch, là nền tảng cho việc định danh và xác thực điện tử đang trong quá trình xây dựng, chưa sẵn sàng hoạt động. Điều này dẫn đến việc định danh và xác thực điện tử chưa bảo đảm, chưa có độ tin cậy, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
“Vì vậy, việc ban hành quy định về định danh và xác thực điện tử tạo cơ sở pháp lý cho xây dựng và triển khai các hệ thống, nền tảng định danh và xác thực điện tử là hết sức cần thiết và quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến nói riêng, giao dịch điện tử nói chung để hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, ông Trung nhấn mạnh.
Đề cập đến lộ trình triển khai định danh và xác thực điện tử tại Việt Nam thời gian tới, đại diện NEAC cho biết, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện quy định pháp lý, Bộ TT&TT đã lên kế hoạch triển khai hệ thống kỹ thuật về định danh và xác thực điện tử.
Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2021, Bộ TT&TT dự kiến hỗ trợ một số cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử. Đồng thời, Bộ cũng sẽ xây dựng nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia để kết nối, phục vụ các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Tiếp đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, sẽ tiếp tục hoàn thiện các hệ thống cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử, nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử để phục vụ các giao dịch điện tử chung cho xã hội, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, thương mại điện tử và kinh tế số. tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp và các giao dịch thương mại điện tử.