Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 11/2018 vừa được Bộ TT&TT tổ chức hôm qua, ngày 10/12/2018 (Nguồn ảnh: mic.gov.vn) |
Chiều ngày 10/12/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 11/2018. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị, tham dự có các Thứ trưởng, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đại diện các Sở TT&TT trên cả nước. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 66 điểm cầu.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, trong tháng 11, về công tác xây dựng văn quy phạm pháp luật, Bộ đã ban hành một số chính sách, văn bản pháp luật, trong đó đáng chú ý là Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực TT&TT. Nghị định được sửa đổi theo hướng cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực TT&TT nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh. Đồng thời, Bộ đã rà soát các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi văn bản quy phạm pháp luật trong ngành TT&TT để có phương án sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Cũng trong tháng 11, Bộ đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu VNPT và MobiFone về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý doanh nghiệp nhằm mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí, đồng thời giúp cơ quan nhà nước tập trung thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước.
Trong lĩnh vực viễn thông, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao từ ngày 16/11/2018. Trước mắt áp dụng cho các thuê bao di động trả sau của ba nhà mạng lớn Viettel, VNPT, MobiFone. Việt Nam là nước thứ tư triển khai dịch vụ này tại Đông Nam Á (sau Singapore, Thái Lan, Malaysia).
Về các số liệu thống kê thuê bao cố định, di động, băng rộng, số thuê bao cố định tháng 10/2018 vẫn tiếp tục giảm so với các tháng trước, phản ánh xu hướng các hộ gia đình sử dụng điện thoại di động thay cho điện thoại cố định.
Số thuê bao di động tháng 10 giảm so với tháng 9/2018 nhưng vẫn tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2017. Số thuê bao băng rộng di động trong tháng 10 tăng nhẹ so với tháng 9 và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Số thuê bao băng rộng cố định tháng 10/2018 tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2017. Điều đó thể hiện xu thế thuê bao chuyển dịch sang dịch vụ data.
Tính đến ngày 20/11/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 21% với hơn 11 triệu người sử dụng, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 7 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 19 trên toàn thế giới.
Trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, các cơ quan phụ trách an toàn thông tin của Bộ đã ghi nhận hơn 1,6 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma (botnet). Đồng thời ghi nhận 160 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam (65 cuộc tấn công lừa đảo; 35 cuộc tấn công thay đổi giao diện; 60 cuộc tấn công cài cắm mã độc).
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Bộ đã cảnh báo khoảng 1.200 lượt cho các cơ quan, đơn vị tại bộ, ngành, địa phương về các điểm yếu, lỗ hổng, nguy cơ an toàn thông tin, tấn công mạng.
Trong lĩnh vực CNTT, đối với ngành Công nghiệp phần mềm, tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ CNTT tính đến tháng 11/2018 đạt 4 tỷ USD và 5,2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT đạt 3,5 tỷ USD và 4,2 tỷ USD.
Đối với công nghiệp phần cứng, điện tử viễn thông, doanh thu ngành này trong 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 76 tỷ USD. Tính đến 15/11/2018, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 43,83 tỷ USD, tăng 12,5%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 25,69 tỷ USD, tăng 14,7%.
Về ngành công nghiệp nội dung số, doanh thu ngành này tính đến tháng 11 ước đạt 860 triệu USD, doanh thu xuất khẩu đạt 770 triệu USD.
Liên quan đến lĩnh vực Báo chí, Bộ TT&TT đã xây dựng, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 08/11/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đồng thời, Bộ cũng đã làm việc với các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí của các hội, hiệp hội để triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025
Đối với Phát thanh, Truyền hình (PTTH), hiện có 34 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ PTTH trên toàn quốc và số lượng thuê bao đạt 14,3 triệu/23 triệu hộ gia đình, chiếm tỷ lệ 62% thuê bao/ hộ gia đình. Truyền hình cáp chiếm gần 10 triệu thuê bao. Thuê bao truyền hình trả tiền vẫn có xu hướng phát triển tuy nhiên dịch vụ truyền hình qua mạng Internet (OTT) đang có xu hướng gia tăng.
Bất cập hiện nay trong ngành PTTH chính là tình trạng vi phạm bản quyền (nhất là trên mạng xã hội) có xu hướng ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là các website có tên miền quốc tế và đặt máy chủ tại nước ngoài, các ứng dụng OTT cung cấp thông tin qua biên giới, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu của các Đài PTTH, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.
Về các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong tháng 12/2018, trong lĩnh vực bưu chính, Bộ đang tiến hành nghiên cứu, trao đổi với cơ quan liên quan, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực bưu chính đề xuất thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Bưu chính; xây dựng cơ sở dữ liệu mã địa chỉ bưu chính chi tiết tới từng địa chỉ hộ dân cư trên cả nước.
Trong lĩnh vực Viễn thông, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông cho phù hợp với sự phát triển như vũ bão của công nghệ trên phạm vi toàn thế giới và phù hợp với thực tiễn thị trường viễn thông hiện nay. Bộ cũng sẽ làm việc với Bộ, ngành liên quan về vấn đề quản lý thẻ thanh toán dịch vụ thông tin di động (thẻ cào).
Trong lĩnh vực An toàn, an ninh mạng, Bộ xây dựng, hoàn thiện dự thảo chiến lược đưa Việt Nam thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng; Đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa; dự án Xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin các cuộc tấn công mạng, mối đe dọa, nguy cơ về ATTT trên mạng…
Trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Bộ sẽ xây dựng Nghị định về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức; Nghị định về xác thực và định danh điện tử; hoàn thiện Đề án thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nội dung số Việt Nam.
Trong lĩnh vực Thông tin, tuyên truyền, Bộ sẽ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Tiếp tục triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đã nghe các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc khó khăn của các Sở liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, từ ứng dụng CNTT, quản lý báo chí cho đến tình hình sáp nhập các Sở tại các địa phương hiện nay. Lãnh đạo cấp trưởng các đơn vị chức năng thuộc Bộ trực tiếp trả lời, giải đáp các đề xuất, kiến nghị, cung cấp thêm thông tin cho các Sở đối với những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng trong tháng 12/2018 là xây dựng kế hoạch công tác của Bộ TT&TT trong năm 2019. Và đây là lần đầu tiên, Bộ TT&TT sẽ giao nhiệm vụ cho các Sở TT&TT. Các nhiệm vụ này sẽ được công bố trước ngày 20/12 để các Sở đưa vào kế hoạch công tác năm 2019 và báo cáo với UBND tỉnh, thành phố. “Kế hoạch công tác năm 2019 của Bộ TT&TT phải nhắm tới mục tiêu tạo điều kiện cho 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ phát triển một cách hiệu quả”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng đối với Bộ TT&TT trong năm 2019 cần có những đột phá về chính sách, đề xuất trong các lĩnh vực Bộ quản lý. Những đề xuất đột phá này phải được gửi lên Thủ tướng vào trung tuần tháng 12/2018.