Sáng 5/6, đoàn công tác Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã có chuyến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên. Tại đây, nhiều vấn đề đã được chỉ ra và làm rõ nhằm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực TT&TT của tỉnh.

{keywords}
Buổi làm việc giữa đoàn công tác Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên sáng 5/6. Ảnh: Trọng Đạt.

Tỉnh 1,25 triệu dân nhưng có 1,4 triệu thuê bao di động

Theo số liệu của Bộ TT&TT, về cơ bản, lĩnh vực bưu chính của tỉnh Hưng Yên còn khiêm tốn khi so với toàn thị trường. Việc ứng dụng thương mại địa phương cũng còn nhiều hạn chế.

Đối với lĩnh vực viễn thông, tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hơn 1,4 triệu thuê bao di động và 28 nghìn thuê bao cố định, đạt tỷ lệ 114 thuê bao di động/100 dân. Tỷ lệ phủ sóng di động 2G, 3G theo dân số đạt 100%. Tỷ lệ phủ sóng 4G đạt 98,01%, cao hơn mức trung bình của cả nước.

Hưng Yên hiện có 825.000 thuê bao smartphone trên tổng số 1,25 triệu dân, đạt tỷ lệ 65,8%, thấp hơn tỷ lệ trung bình (80,2%). Tuy nhiên, trong đó có hơn 600 nghìn thuê bao (73,5%) phát sinh lưu lượng, cao hơn so với mức trung bình của cả nước (~70%). Đây là dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng của người dân Hưng Yên trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ khi điều kiện cho phép.

Về ứng dụng CNTT, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 của Hưng Yên hiện đạt 56%. Tuy vậy, tỷ lệ DVCTT tại địa phương có phát sinh hồ sơ tại Hưng Yên còn thấp. 

Thống kê từ năm 2018 đến tháng 5/2020 cho thấy, trong tổng số 1.064 DVCTT mức độ 3, 4 tại Hưng Yên, chỉ có 13,81% dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến của tỉnh cũng thấp hơn mức trung bình cả nước.

Về an toàn an ninh mạng, tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành kết nối, chia sẻ thông tin mã độc với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). 

Đối với lĩnh vực công nghiệp ICT, các khu công nghiệp tại Hưng Yên đã thu hút được vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp phần cứng điện tử như: Canon, Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Panasonic. Một số doanh nghiệp điện tử tại địa phương đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 334 doanh nghiệp CNTT đang hoạt động. Số lao động CNTT là trên 18.488 người. Thu nhập bình quân trên 1 lao động là 41 triệu/người/năm. Công nghiệp CNTT đóng góp trên 300 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Hưng Yên năm 2018.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 doanh nghiệp truyền hình trả tiền với tổng số 85.519 thuê bao. Hưng Yên cũng là một trong những địa phương đầu tiên chuyển đổi hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất.

Kịch bản chuyển đổi số nào cho Hưng Yên?

Theo ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), trong 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số, Hưng Yên nên tập trung phát triển nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp tư vấn, ứng dụng công nghệ số để mang công nghệ vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.

{keywords}
Ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) chia sẻ về kịch bản chuyển đổi số tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Đạt.

Tại Hưng Yên hiện chỉ có khoảng 49 doanh nghiệp loại này trong tổng số 1,25 triệu dân toàn tỉnh. Đây là nhóm doanh nghiệp tỉnh nên tập trung phát triển để giải quyết các bài toán kinh tế xã hội tại địa phương.

Chia sẻ về kịch bản chuyển đổi số dành cho Hưng Yên, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loại nông sản, tuy nhiên địa phương vẫn chủ yếu phân phối nông sản theo phương thức truyền thống.

Cùng là một loại nông sản đó, nếu dùng marketing để thay đổi phương pháp trình bày, dùng lợi thế của các nền tảng online với hàng trăm triệu người dùng để mang nông sản đến thị trường toàn cầu thì câu chuyện sẽ khác.

"Việc tiêu thụ theo phương thức truyền thống giúp nông dân bán được nông sản cho vài nghìn người, tại một vài tỉnh. Tuy nhiên nếu bán hàng trên mạng, chúng ta có thể tiếp cận với hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. Với hạ tầng bưu chính chuyển phát, phải làm sao để một người ở Cà Mau có thể mua đặt hàng và nhận được nông sản ngay trong ngày.", ông Nguyễn Huy Dũng nói.

Đánh giá về các thương hiệu truyền thống của Hưng Yên trên không gian mạng, ông Dũng nhắc tới gà Đông Tảo, nhãn lồng và chè hạt sen long nhãn. Tuy nhiên, sản phẩm nổi bật nhất là gà Đông Tảo cũng chỉ nhận được 417.000 lượt đề cập. Điều này chứng tỏ chúng ta có sản phẩm tốt nhưng chưa tiếp cận được tới thị trường tiềm năng.

Theo ông Dũng, thực tế đó hứa hẹn một một kịch bản tăng trưởng tốt nếu chúng ta phát triển được một đội ngũ các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để làm công tác tư vấn.

Nếu nắm bắt nhanh cơ hội chuyển đổi số, Hưng Yên sẽ có lợi thế lớn nhờ việc đi đầu. Tỉnh có thể hiện thực hóa điều này bằng việc sớm đưa ra chương trình chuyển đổi số với 3 trụ cột là phát triển chính quyền số gắn với đô thị thông minh, phát triển kinh tế số gắn với doanh nghiệp số và phát triển xã hội số gắn với việc đào tạo kỹ năng số cho người dân. 

Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ Hưng Yên chuyển đổi số

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có 8 mục tiêu Hưng Yên cần hướng tới để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực TT&TT. 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Đạt.

Đầu tiên, Hưng Yên cần đặt ra mục tiêu mỗi người dân đều có một chiếc điện thoại thông minh. Đây là công cụ để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và thương mại điện tử. 

Hiện Hưng Yên còn khoảng trên 40% dân số sử dụng điện thoại "cục gạch". Điều này sẽ sớm được giải quyết khi sắp tới Bộ TT&TT sẽ ra quyết định về việc tắt sóng 2G.

Mục tiêu tiếp theo là mỗi hộ gia đình có một đường truyền cáp quang. Đây là hạ tầng Internet cơ bản với tốc độ nhanh hơn hẳn băng rộng di động. Nếu không có Internet cáp quang sẽ rất khó để phát triển việc học, làm việc từ xa và tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến.

Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình tại Hưng Yên cần phải có một mã bưu chính. Đây là địa chỉ số để hỗ trợ dịch vụ chuyển phát và phát triển thương mại điện tử.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất Hưng Yên cần làm sao để 100% dịch vụ công trực tuyến tại địa phương đạt cấp độ 4. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, điều này có thể làm được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu.

Mục tiêu tiếp theo mà Hưng Yên cần đặt ra là hệ thống CNTT phải được bảo vệ 4 lớp theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Về viễn thông, tất cả khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phải phủ sóng 5G, chậm nhất là vào năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Hưng Yên cần phát triển ít nhất 1.000 doanh nghiệp công nghệ số. Tỉnh cũng nên tăng cường truyền thông qua các mạng viễn thông, mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội Việt Nam, qua hệ thống loa phường kiểu mới. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cần giao thêm nhiều nhiệm vụ cho Sở TT&TT. Đây là cánh tay nối dài của Bộ TT&TT ở các địa phương. Nếu tỉnh có khó khăn gì về lĩnh vực TT&TT có thể liên hệ trực tiếp với Bộ.

Hưng Yên cũng cần tập trung nguồn lực CNTT về một đầu mối, thay vì chia nhỏ cho các đơn vị. Nếu Sở TT&TT gặp khó khăn, Bộ sẽ biệt phái cán bộ hoặc cử lực lượng phản ứng nhanh để hỗ trợ.

Bộ TT&TT mong muốn Hưng Yên sẽ chú trọng hơn nữa vào hạ tầng kho bãi để giúp đỡ các doanh nghiệp bưu chính.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh nên thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm CNTT để có thể trải nghiệm trực tiếp, từ đó phát sinh nhu cầu và đặt ra những yêu cầu cao hơn. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Hưng Yên có một nghị quyết chuyên đề hoặc chương trình về chuyển đổi số. Bộ TT&TT sẽ giúp Hưng Yên trong việc xây dựng chương trình chuyển đổi số cho tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ sẽ hỗ trợ Hưng Yên trong việc đo đạc các chỉ số phát triển lĩnh vực TT&TT, đồng thời đưa ra số liệu so sánh trực tiếp với các tỉnh khác và một vài nước trong khu vực. 

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Tiến Sĩ - Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

{keywords}
Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sĩ phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ với đoàn công tác, vị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho rằng, tỉnh cũng đã nhận thấy xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ mà nếu không làm theo sẽ bị tụt hậu. 

Để đạt mục tiêu phát triển, tỉnh cần phải ứng dụng CNTT tốt hơn. Do vậy, Hưng Yên sẽ nghiên cứu xây dựng chương trình ứng dụng CNTT trên địa bàn toàn tỉnh.

Sau buổi làm việc, đoàn công tác Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã tham gia lễ triển khai phòng họp không giấy tờ tại Hưng Yên.

Trọng Đạt

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số tại Việt Nam

Những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số tại Việt Nam

Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, có 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Đây là những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày đến người dân.