Thông tin nêu trên vừa được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn chia sẻ với các đại biểu dự hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 được tổ chức tại TP.HCM ngày 17/9, qua cầu truyền hình trực tuyến từ Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, những kết quả tích cực đạt được thời gian qua đã tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong Chính phủ để phát triển Chính phủ số những năm tới. |
Là sự kiện do IDG Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) và Sở TT&TT TP.HCM tổ chức, hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 có chủ đề: “Phát triển Chính phủ điện tử thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - Mô hình và giải pháp”.
Tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong Chính phủ
Cũng trong phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng quan trọng của quốc gia đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua.
Có thể kể đến một số một số chủ trương, định hướng gần đây như: Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng năm 2025; Quyết định 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030…
Thực hiện các chủ trương trên, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đã vào cuộc quyết liệt triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Sự vào cuộc đó, theo Thứ trưởng, đã đem lại những kết quả tích cực, tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong Chính phủ để phát triển Chính phủ số những năm tới đây theo định hướng của Bộ Chính trị và của Chính phủ.
Có chung nhận định với đại diện Bộ TT&TT, các đại biểu đều cho rằng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Theo Báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tăng hạng 13 bậc từ năm 2014. Riêng kỳ đánh giá gần đây nhất được công bố hồi tháng 7, xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam tăng 2 bậc, từ 88/193 năm 2018 lên thứ 86/193 quốc gia, nhưng vẫn xếp vị tí thứ 6/11 ở khu vực ASEAN.
Về dịch vụ công trực tuyến, thống kê của Cục Tin học hóa cho hay, đến tháng 9/2020, trên cả nước tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã đạt 19,1%, gấp gần 4,2 lần so với năm 2018. Trong đó, có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 15 tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ trên 30%. Điển hình, có Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4; tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, với riêng mức 4 đạt gần 55%.
Để đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra là cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm nay, Bộ TT&TT đang nỗ lực, đổi mới cách làm, đổi mới mô hình triển khai làm sao để thúc đẩy nhanh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 4.
Hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng Chính phủ số vào 2030
Bàn về định hướng phát triển thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho hay, năm 2020, lần đầu tiên Liên hiệp quốc sử dụng thuật ngữ “Chính phủ số”. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển của các quốc gia từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số.
Trong dự thảo Chiến lược, Bộ TT&TT xác định việc phát triển Chính phủ số gắn kết chặt với chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia (Ảnh minh họa) |
Thực tế, tại Việt Nam, định hướng phát triển Chính phủ số đã được nêu tại Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, cũng như trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số tại Việt Nam.
Để cụ thể hóa định hướng này, thời gian qua Bộ TT&TT đã khẩn trương xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược này đang được Bộ TT&TT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Bộ TT&TT kỳ vọng đây sẽ là chiến lược tổng thể, đưa ra được tầm nhìn, mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình, đảm bảo việc thực hiện được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng.
Ở góc độ doanh nghiệp đang tham gia cùng các cơ quan nhà nước trong xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đại diện Viettel cũng cho rằng: Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và sự góp sức của các doanh nghiệp công nghệ nước nhà, mục tiêu năm 2025 hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lọt vào Top 4 ASEAN về phát triển Chính phủ điện tử không phải quá khó với Việt Nam.
Phát triển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, theo các chuyên gia, là xu hướng dịch chuyển chung của các quốc gia trên thế giới. Chính phủ số là chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Đây là quá trình chuyển đổi số của Chính phủ. Dịch chuyển Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là quá trình chuyển đổi tư duy quản lý, cung cấp dịch vụ từ cung cấp những gì cơ quan nhà nước có sang cung cấp dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ điện tử đo lường bằng số lượng dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ số đo lường bởi số thủ tục được cắt giảm, số dịch vụ mới tăng lên và số bộ dữ liệu mở được cơ quan nhà nước cung cấp. |
M.T
Bộ TT&TT đề xuất các giải pháp nâng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam
Để nâng cao vị trí xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc, Bộ TT&TT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp.