Thông tin nêu trên vừa được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết tại hội nghị “Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội năm 2019” diễn ra hôm nay, ngày 11/10 tại Hà Nội.
Là sự kiện do Bộ TT&TT phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức, hội nghị hướng tới mục tiêu đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội; tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về việc quản lý, triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan nhà nước cũng như phát triển thị trường dịch vụ chữ ký số công cộng phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, ngày nay giao dịch điện tử trong các hoạt động của các doan nghiệp, cơ quan nhà nước và xã hội có vai trò hết sức quan trọng và là một hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới. |
Cũng trong phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, ngày nay giao dịch điện tử trong các hoạt động của các doan nghiệp, cơ quan nhà nước và xã hội có vai trò hết sức quan trọng và là một hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới. Chữ ký số là một trong những loại hình kỹ thuật ,công nghệ đảm bảo sự an toàn, bảo mật cao cho giao dịch điện tử.
Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giao dịch điện tử như Nghị định 130 ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử; Nghị định 119 quy định về hóa đơn điện tử; Nghị định 165 quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Các văn bản này quy định rõ về giá trị pháp lý của chữ ký số, giá trị pháp lý của văn bản điện tử, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử có ký số có giá trị như bản giấy.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại hội nghị Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội năm 2019”. |
Đồng tình với ý kiến của đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử, văn bản điện tử, chữ ký số đã tiếp tục được bổ sung trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý thống nhất và thuận lợi trong việc cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Tính đến tháng 9/2019, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đáp ứng kịp thời gần 220.000 chứng thư số phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã đạt được những kết quả quan trọng, đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử.
“Tuy nhiên, việc triển khai chữ ký số vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ, giải quyết nhằm thúc đẩy triển khai chữ ký số rộng rãi và phổ biến hơn nữa”, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào đánh giá.
Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc NEAC cho biết, đến nay đến nay Bộ TT&TT đã cấp phép cho 14 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. |
Tại hội nghị, thông tin về tình hình triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) Phạm Quốc Hoàn cho biết, đến nay, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 14 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động , 3 doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện đầu tư hệ thống kỹ thuật và tổ chức vận hành, 1 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép năm 2016.
Theo thống kê của NEAC, tính đến 30/6/2019, các CA công cộng đã cấp 2.699.668 chứng thư số, số lượng chứng thư số đang hoạt động là 1.166.896. Các chứng thư số được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực chính như Thuế điện tử, Hải quan điện tử và Bảo hiểm xã hội điện tử, ngoài ra còn sử dụng trong các loại giao dịch khác trong tài chính điện tử (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử), giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử…
Theo ông Hoàn, cần nhìn nhận thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng một cách tổng thể, với cả 3 thành phần quan trọng, không thể thiếu gồm CA công cộng, người sử dụng dịch vụ và các đơn vị cung cấp ứng dụng chấp nhận chữ ký số. “CA cung cấp dịch vụ chữ ký số cho người sử dụng; người sử dụng (user) sử dụng chữ ký số để giao dịch với của bên cung cáp dịch vụ trực tuyến; bên cung cấp dịch vụ trực tuyến cần sự sẵn sàng chứng thư số của người sử dụng dịch vụ, và trong quá trình sử dụng thì bên cung cấp dịch vụ trực tuyến còn cần sự hỗ trợ (kỹ thuật, công nghệ) từ CA”, ông Hoàn phân tích.
Đại diện NEAC cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ TT&TT đang xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Thông tư quy định sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử, Thông tư về Mobile PKI và ký số từ xa. Cả 3 dự thảo văn bản này đều đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương.