-Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao trước hiện tượng một người dùng Facebook trong nước lập trang cá nhân giả mạo thành viên tổ chức khủng bố IS.

Dưới nick Timur Zhunusov, người này đã cố tình lấy ảnh đại diện cũng như đăng tải nhiều thông tin như thể có liên quan đến IS, thậm chí còn có lời lẽ khiêu khích khủng bố, thông tin kích động bạo lực.

{keywords}
Trang Facebook mạo danh khủng bố IS do một người dùng VN lập ra. 

Sau khi sự việc trở nên lùm xùm, trang gốc của Timur Zhunusov đã bị chủ nhân tạm khóa nhưng ngay lập tức, hàng chục fanpage ăn theo lại mọc lên trên Facebook. Nguy cơ tiềm ẩn đã khiến lực lượng công an phải vào cuộc. Phòng cảnh sát công nghệ cao Hà Nội (PC50) cho biết đang phối hợp với các lực lượng chức năng để xác minh làm rõ, xử lý nghiêm "thủ phạm".

Từ góc độ cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực an toàn thông tin, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã chia sẻ quan điểm với VietNamNet về hiện tượng này, cùng với những hệ lụy và rủi ro tiềm ẩn của nó.

"Đừng nghĩ những gì mình làm trên thế giới ảo sẽ không ai biết!"

- Ông đánh giá như thế nào về vụ việc lần này, một hiện tượng tuy không phải lần đầu xuất hiện nhưng đến mức cơ quan công an phải vào cuộc xác minh?

Ông Nguyễn Huy Dũng: Thực ra việc giả mạo trang thông tin của những người nổi tiếng hoặc lập những trang ăn theo các sự kiện đang được dư luận trong và ngoài nước quan tâm trên mạng xã hội, với mục đích thu hút sự chú ý đã phổ biến khoảng hơn 1 năm trở lại đây.

Thế giới ảo/ thế giới mạng và thế giới thực hiện nay đã trở nên song hành với nhau. Những gì đang diễn ra ngoài đời thực giờ đây cũng được phản chiếu lại và thể hiện trong thế giới mạng. Thực ra theo tôi thì đây cũng chỉ là một phần tất yếu của sự phát triển thôi. Trách nhiệm của cơ quan chức năng, cũng như cộng đồng là phát huy được những cái gì là tích cực, hạn chế những cái tiêu cực trong cả thế giới thực lẫn thế giới mạng.

Tuy nhiên, hành động lần này có sự khác biệt đặc thù so với những hiện tượng giả mạo, câu view mà chúng ta vẫn bắt gặp trong thời gian qua., bởi nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn từ hành động này rất nghiêm trọng.

- Theo ông nhận định, động cơ của những kẻ đứng sau vụ việc này là gì? Đơn thuần chỉ là trò câu view hay còn xuất phát từ mục đích nào khác?

Ông Nguyễn Huy Dũng: Động cơ của những người thực hiện hành vi giả mạo trên Facebook có thể phân biệt theo nhiều nhóm:

Nhóm thứ nhất là những người hành động bột phát, đơn thuần chỉ để thu hút sự chú ý, quan tâm của mọi người trên môi trường mạng. Đây là động cơ gây ra hậu quả nhẹ nhất, khi bị phê phán, bị cộng đồng phản ứng, không đón nhận thì họ sẽ dừng lại.

Ở góc độ thứ hai là những kẻ tạo ra các trang giả mạo với ý đồ làm xấu hình ảnh của cộng đồng người sử dụng mạng Việt Nam trong thế giới kết nối, gây xấu hình ảnh cho Việt Nam nói chung. Khi thế giới nhìn vào sẽ thấy hình ảnh của cộng đồng mạng VN không tích cực và từ đó, có thể thu hút sự chú ý của hacker, khiến họ phát động các cuộc tấn công, các chiến dịch tẩy chay nhằm vào Việt Nam, gây hậu quả tiêu cực cho mức độ thân thiện của xã hội thông tin mà VN đang cố gắng xây dựng.

Nhóm hậu quả thứ ba, theo tôi, cũng không thể loại trừ khả năng một số đối tượng có ý đồ gây rối về mặt an ninh trật tự, cũng như lợi dụng những hiện tượng đang được xã hội quan tâm như vậy để giả mạo, để làm xấu hình ảnh đất nước và thông qua đó gây bất ổn về mặt kinh tế, xã hội, an ninh.

{keywords}
Ông Nguyễn Huy Dũng (giữa) trong một họp báo gần đây về An toàn thông tin. 

"Có thể xử lý hình sự!"

- Sau khi trang Timur Zhunusov đầu tiên đóng cửa, hàng chục trang fanpage ăn theo đã ngay lập tức mọc lên, cho thấy tốc độ lan rộng của hành vi này cực kỳ nhanh. Chúng ta sẽ có những biện pháp nào để ngăn chặn hiện tượng tái diễn, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Dũng: Như tôi đã phân tích ở trên, có 3 nhóm động cơ có thể gây ra các vụ việc kiểu này nên cũng đòi hỏi 3 cách ứng xử khác nhau từ phía cơ quan chức năng.

Đối với những người chỉ đơn thuần là muốn câu view, thu hút sự chú ý của người khác, không có động cơ nào khác sâu xa bên trong, chỉ đơn giản là không ý thức được hậu quả sẽ xảy ra thì trước hết, ta cần có những biện pháp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức để họ thấy được vấn đề, từ đó chấm dứt những hành động tương tự.

Ngày 19/6/2015 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt QĐ 893, phê duyệt Đề án Tuyên truyền phổ biến, nâng cao trách nhiệm về an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020. Mấu chốt của vấn đề, theo tôi nằm ở chỗ rất nhiều người tưởng rằng những gì mình làm trên mạng không liên quan đến đời thực, không ai biết và không ảnh hưởng gì. Họ không hình dung ra được hậu quả của việc mình làm, trong khi như báo chí thời gian qua đã đưa tin, rất nhiều hành vi xảy ra trong thế giới ảo nhưng lại mang đến mất mát to lớn về tải sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng cho người thực, thậm chí là bị trả thù ngoài đời thực... . Nếu được giáo dục trước về hậu quả, nhận thức được về tác hại hoặc trách nhiệm mà mình có thể phải đối mặt thì có thể họ sẽ không làm, không hành động bột phát nữa.

Nhưng sau khi đã được tuyên truyền, đã biết về hậu quả mà vẫn cố tình làm thì tức là người đó có mục đích khác. Ở góc độ này thì rất may là hành lang pháp lý để xử phạt đang ngày càng được hoàn thiện, bổ sung.

Cụ thể là điều 5, Nghị định 72/2013 đã quy định rất rõ những hành vi bị nghiêm cấm như lợi dụng việc sử dụng Internet để đưa tin xuyên tạc, vu khống, xâm phạm uy tín của tổ chức và danh dự của cá nhân; nghiêm cấm việc lợi dụng Internet và thông tin trên mạng để chống lại Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền chiến tranh, khủng bố, gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo...

Mới đây nhất, ngày 19/11, Quốc hội cũng đã thông qua Luật ATTT mạng. Điều 8 trong Luật này cũng nghiêm cấm những hành vi như thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo trên Internet.

Có thể nói, hành lang pháp lý để xử phạt ngày càng được hoàn thiện. Tùy thuộc hậu quả của hành vi, có thể xử phạt ở mức hành chính (5-10-20 triệu), hoặc nếu nghiêm trọng hơn, phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng và tài sản của công dân thì thậm chí có thể xem xét xử lý ở mức hình sự.

Trong Thông điệp mới đây về môi trường Internet trong sạch, nhân văn của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cao sáng kiến về Bộ Quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet do các chính khách, giáo sư của Diễn đàn Toàn cầu Boston khởi xướng, để hình thành nên thói quen văn minh cho người sử dụng mạng. Bản thân Cục An toàn thông tin thời gian qua cũng đã đôn độc Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) ban hành Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp để phổ biến tới cộng đồng những người làm ATTT trong nước.

- Trong một vụ việc khác gần đây, một thành viên tự xưng của Anonymous cáo buộc tổ chức này bị 5 hacker Việt tấn công. Ông nhận định thế nào về bản chất vụ việc này? Liệu có hay không chuyện một số hacker trong nước ra tay "manh động"?

Ông Nguyễn Huy Dũng: Tôi cho là những người làm ATTT tại VN cũng như cộng đồng làm ATTT trên thế giới đều không bao giờ khuyến khích hành vi tấn công trái phép cả. Giả sử có một vụ tấn công trái pháp luật trên mạng thật, thì đó cũng chỉ là hành động bột phát của một người hoặc một nhóm người chứ không mang tính đại diện cho cộng đồng làm ATTT tại VN.

Nhân đây, tôi cũng mong báo chí trong nước khi đưa tin cần hết sức cân nhắc, tránh dùng cụm từ "Hacker Việt Nam" tấn công vào nhóm nọ, nhóm kia. Kể cả hiện tượng đó có xảy ra đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là hành động đơn lẻ, bột phát của một vài cá nhân chứ không đại diện cho cả cộng đồng ATTT.

Việc giật tít mang tính quy nạp từ hành động bột phát của một nhóm nhỏ người nhưng nâng lên thành cả cộng đồng hacker trong nước, thậm chí là thành xung đột giữa quốc gia với quốc gia... sẽ dễ khiến cho các nhóm hacker lớn phản đòn và nhằm vào Việt Nam. Đây là một điều hết sức bất lợi trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung nguồn lực toàn xã hội để phát triển CNTT. Chỉ cần một vài sự cố thì sẽ dễ nảy sinh tâm lý e ngại trong xã hội.

Chính vì thế, Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh thông tin mạng đến năm 2020 sẽ hướng tới nhiều nhóm đối tượng cùng lúc như học sinh - sinh viên, cán bộ công chức viên chức và cán bộ kỹ thuật, đồng thời còn có cả các nhà báo, phóng viên công nghệ...

Điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh, là bản chất Internet không có biên giới. Xác định ai, ở đâu tấn công hoàn toàn chỉ mang tính chất tương đối. Về nguyên tắc, kẻ xấu có thể ngồi ở một quốc gia này để điều khiển hệ thống đặt ở một quốc gia khác và thực hiện những cuộc tấn công. Chuyện ấy hoàn toàn bình thường. Cái duy nhất có thể khẳng định được là các hành vi tấn công ấy, nếu có, từ các địa chỉ IP xuất phát từ VN thì không đại diện cho cộng đồng VN. Dù vậy, ngay khi nhận được phản ánh, từ góc độ CQNN, chúng tôi sẵn sàng chỉ đạo điều phối để xử lý, dập tắt vì mọi hoạt động tấn công trái phép đều vi phạm pháp luật VN, dù vì mục đích gì đi chăng nữa.

- Xin cám ơn ông!

  • Trọng Cầm (thực hiện)

Tin liên quan