Đây là một nội dung trong Nghị quyết 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 mới được Chính phủ ban hành.
Tại Nghị quyết này, về việc thực hiện Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên hợp quốc), Chính phủ yêu cầu phải cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCI) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 5 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia) về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới.
Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Chính phủ giao Bộ TT&TT làm đầu mối theo dõi việc thực hiện các chỉ số về Chính phủ điện tử. Với vai trò của bộ đầu mối, Bộ TT&TT chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cải thiện các chỉ số về Chính phủ điện tử; tổng hợp kết quả thực hiện cải thiện các chỉ số; đồng thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách, cơ chế, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số về Chính phủ điện tử.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT, viễn thông. Hàng quý, hàng năm, Bộ TT&TT có trách nhiệm xây dựng Báo cáo chuyên đề về tình hình, kết quả cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng cuối quý, cuối năm.
Cũng tại Nghị quyết 19, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với từng chỉ tiêu, chỉ số cho các bộ, ngành, địa phương. Điểm số và thứ hạng chỉ số Chính phủ điện tử được xác định trên cơ sở điểm của 3 nhóm chỉ số thành phần gồm: chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII); chỉ số Nguồn nhân lực (HCI); và chỉ số Dịch vụ công trực tuyến (OSI).
Theo phân công của Chính phủ, Bộ TT&TT là cơ quan chủ trì và tất cả các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện nhiệm vụ cải thiện điểm của 2 nhóm chỉ số thành phần là Dịch vụ công trực tuyến; và Hạ tầng viễn thông (Tỉ lệ người dùng Internet; Số thuê bao điện thoại cố định trên 100 dân; Số thuê bao điện thoại di động trên 100 dân; Số thuê bao Internet băng thông rộng cố định trên 100 dân; Số thuê bao Internet băng thông rộng không dây trên 100 dân).
Mục tiêu của giai đoạn tới là cải thiện điểm số của 2 nhóm chỉ số Hạ tầng viễn thông và Dịch vụ công trực tuyến từ mức điểm 0,37145 và 0,57246 hiện tại lên lần lượt đạt 0,41 và 0,65 điểm vào năm 2020.
Bộ GD&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ cải thiện điểm của nhóm chỉ số Nguồn nhân lực (Tỷ lệ người lớn biết đọc biết viết; Tỷ lệ nhập học ở cấp phổ thông; Tổng số năm học phổ thông của một học sinh; Số năm học trung bình của một người khi đến tuổi trưởng thành) từ mức điểm 0,59888 hiện tại lên 0,69 điểm vào năm 2020.
Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2016 có chủ đề “Chính phủ điện tử hỗ trợ phát triển bền vững” được Liên hợp quốc công bố tháng 7/2016 (thực trạng 2013 - 2015). Đây là lần thứ chín Liên hợp quốc thực hiện báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của tổ chức mình một cách tương đối thông qua việc khảo sát, đánh giá kết quả các quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được trong 3 nhóm chỉ số thành phần gồm: chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và chỉ số nguồn lực (HCI).
Báo cáo của Liên hợp quốc cho hay, với việc đạt được 0,5143 điểm, Việt Nam xếp hạng 89 trên thế giới về phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014 nhưng lại tụt xuống vị trí thứ 6 trong khu vực ASEAN (năm 2015 Việt Nam đứng 5 trong 11 nước ASEAN), sau các nước Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Bruney.
Trong đó, so với xếp hạng năm 2014, chỉ số thành phần về Dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam được đánh giá cao, đạt 0,57246 điểm, tăng 0,16 điểm; tuy nhiên 2 nhóm chỉ số thành phần Hạ tầng viễn thông và Nguồn nhân lực lại giảm. Thứ hạng của Việt Nam ở 3 nhóm chỉ số thành phần Dịch vụ công trực tuyến, Hạ tầng viễn thông và Nguồn nhân lực lần lượt là 74, 110 và 127.
Trước đó, tại cuộc họp về Chính phủ điện tử được tổ chức ngày 17/1/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, các xếp hạng quốc tế liên quan trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh, Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo là những lĩnh vực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Đây không chỉ là “cuộc đua” hình thức, xếp hạng đơn thuần trong so sánh với các nước mà liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đến tín nhiệm của quốc gia trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế. Tín nhiệm quốc tế cao thì chi phí vốn của cả quốc gia và doanh nghiệp đều giảm.
Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu việc cải thiện từng chỉ số về Chính phủ điện tử phải làm thật thực chất, đề ra kế hoạch cụ thể, đặc biệt là với chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo Phó Thủ tướng, năm 2016, các bộ đã rất tích cực cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng mới được phần ở Trung ương, bây giờ cần tập trung nhiều hơn cho địa phương và phải đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT. “Về cơ bản, hệ thống văn bản chỉ đạo về Chính phủ điện tử tương đối đầy đủ nhưng yếu ở khâu tổ chức thực hiện, mà một trong những nguyên nhân là không có kế hoạch thật cụ thể. Tôi đề nghị lãnh đạo các bộ ngành phải chỉ đạo rất sát vấn đề này”, Phó Thủ tướng nói.