Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ TT&TT và Bộ Ngoại giao về phát triển CNTT của Bộ Ngoại vừa được đại diện lãnh đạo hai Bộ ký kết tại Hà Nội vào chiều ngày 6/1/2016.

Theo biên bản ghi nhớ hợp tác, thời gian tới, Bộ TT&TT và Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp trong việc tư vấn, đánh giá và kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng theo đề nghị của Bộ Ngoại giao; Phối hợp giám sát dấu hiệu tấn công mạng, cảnh báo sớm và chia sẻ thông tin, trao đổi các biện pháp xử lý sự cố; đồng thời hai Bộ cũng hợp tác triển khai, xây dựng, phát triển ứng dụng về CNTT-TT tại Bộ Ngoại giao

Bộ TT&TT sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu, kỹ năng cho cán bộ CNTT của Bộ Ngoại giao, trao đổi kinh nghiệm về CNTT-TT, tư vấn chính sách quy trình, quy chuẩn về quản trị, vận hành an toàn hệ thống thông tin.

Cũng theo Biên bản ghi nhớ mới ký kết, Bộ TT&TT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Ngoại giao xây dựng hệ thống mạng diện rộng cho ngành Ngoại giao và xây dựng Trung tâm lưu trữ kỹ thuật số của Bộ Ngoại giao. Hai Bộ sẽ phối hợp nghiên cứu phương án dự phòng về thông tin liên lạc giữa Bộ Ngoại giao với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong trường hợp hệ thống thông tin liên lạc bị tê liệt.

Tại buổi lễ, cơ chế phối hợp đã được đại diện hai Bộ thống nhất. Theo đó, các đơn vị chức năng làm đầu mối, cụ thể là Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT và Trung tâm thông tin của Bộ Ngoại giao sẽ kịp thời thông báo cho nhau những thay đổi trên hệ thống thông tin. Khi xuất hiện nguy cơ hoặc xảy ra sự cố trên hệ thống thông tin hay hạ tầng mạng máy tính của Bộ Ngoại giao, Cục An toàn thông tin và Trung tâm thông tin sẽ trực tiếp trao đổi thông tin, phối hợp xử lý, báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách, Bộ TT&TT có trách nhiệm hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương ứng dụng CNTT. Thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương sẽ đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, cùng với đó là xu thế tấn công mạng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó những thỏa thuận hợp tác kiểu này càng có ý nghĩa quan trọng.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Sau khi ký kết, quan trọng hơn là việc triển khai biên bản ghi nhớ hợp tác như thế nào. Các đơn vị chức năng của hai bên cần ngồi lại để đề ra kế hoạch triển khai cụ thể các nội dung hợp tác".

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cam kết Bộ TT&TT sẽ phối hợp hết sức, sẵn sàng giám sát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ hệ thống, hạ tầng cho Bộ Ngoại giao để kịp thời phát hiện các vấn đề, sự cố và có sự điều chỉnh, xử lý nhanh nhất.

Thực hiện nhiệm vụ là đơn vị chủ trì tổ chức xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a của Chính phủ, ngày 16/11/2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao phân công lãnh đạo trực tiếp chịu trách nhiệm triển khai ứng dụng và phát triển CNTT; ban hành kế hoạch hành động cụ thể về xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Ngoại giao. Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Ngoại giao căn cứ danh mục các nhóm dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến ban hành kèm theo Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 rà soát bổ sung để lập danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được thực hiện trong năm 2016.

Khi lập kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a, Bộ Ngoại giao được đề nghị tập trung vào các nhiệm vụ: Phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản; Triển khai thực hiện ứng dụng CNTT kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử); Xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử đối với các dịch vụ công được thực hiện tại các Cơ quan đại diện tại nước ngoài; tích hợp thông tin các dịch vụ công này lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, hoàn thành trước ngày 1/1/2017.