Sáng ngày 13/12, tại Hà Nội, Khối Thông tin (gồm Cục Báo chí, Cuc PTTH&TTĐT, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Thông tin cơ sở, Cục Xuất bản, In và Phát hành) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo; cùng dự có cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các đơn vị trong Khối.
Theo thông tin từ Cục Báo chí, năm 2019, công tác quản lý nhà nước về báo chí được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sâu sát. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; công tác triển khai quy hoạch được thực hiện quyết liệt; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, ứng dụng công nghệ báo chí, hỗ trợ đặt hàng báo chí phát triển báo chí được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí được đánh giá, sơ kết đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời; công tác xử lý vi phạm được tăng cường, bước đầu đã hạn chế tình trạng “báo hoá tạp chí” thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, tình trạng sách nhiễu, tống tiền.
Cũng trong năm 2019, báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực tham gia giám sát, phản biện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phản bác các luận điệu sai trái, các cơ quan báo chí đã tích cực cơ cấu tổ chức, xây dựng mô hình hoạt động theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí điện tử cùng những khó khăn của kinh tế, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in giảm nhiều, ảnh hưởng đến kinh tế báo chí. Tuy nhiên, đã có nhiều cơ quan báo chí của các Bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể cố gắng tiến tới tự chủ là nỗ lực rất lớn của các cơ quan báo chí trong việc khắc phục khó khăn, bảo đảm hoạt động. Theo đó, năm 2019, số cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động chiếm tỷ lệ 39%; số cơ quan báo chí tự chủ một phần kinh phí hoạt động chiếm tỷ lệ 36% và số cơ quan báo chí được ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động chiếm tỷ lệ 25%.Tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử năm 2019 ước đạt 4.923 tỷ đồng (trong đó báo in là 3.558 tỷ đồng, báo điện tử 1.365 tỷ đồng). So với năm 2018, tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử có tăng nhưng không đáng kể (năm 2018 tổng doanh thu là 4.898 tỷ đồng, trong đó báo in là 3.650 tỷ đồng, báo điện tử là 1.248 tỷ đồng).
Đặc biệt, trong năm 2019, Cục Báo chí đã tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT ký ban hành Kế hoạch 1738/KH-BTTTT triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Sơ kết 03 năm thi hành Luật báo chí; xây dựng, vận hành Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia giai đoạn 2019-2021; Đề xuất hỗ trợ báo chí đường truyền, lưu trữ, ứng dụng công nghệ mới; phối hợp với các đơn vị có liên quan vận hành tốt Trung tâm báo chí, truyền thông và thông tin, tuyên truyền phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới; tăng cường chấn chỉnh tình trạng “báo hóa tạp chí”…
Đối với lĩnh vực PTTH&TTĐT, Cục đã phối hợp chặt chẽ với Cục Báo chí, Ban Tuyên giáo TW trong công tác định hướng, chỉ đạo, quản lý thông tin báo chí ngày càng bám sát với thực tế đời sống, với phương châm “chủ động, kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đồng bộ, thuyết phục”; chủ động giám sát, quản lý thông tin trên PTTH, nội dung trên dịch vụ PTTH trả tiền (trong nội dung thông tin, hoạt động sản xuất, liên kết sản xuất chương trình, hoạt động quảng cáo, bản quyền…); xây dựng quy định hạn chế tình trạng tư nhân lợi dụng quy định về liên kết…
Theo đó, năm 2019, thị trường dịch vụ PTTH trả tiền tiếp tục phát triển về thuê bao và doanh thu, tuy nhiên, tốc độ phát triển doanh thu rất chậm. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền năm 2019 ước đạt 16,5 triệu thuê bao.
Về thông tin điện tử, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật với mục tiêu để doanh nghiệp nước ngoài phải bình đẳng với doanh nghiệp trong nước, tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam; chỉ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc, tài khoản giả mạo trên nền tảng Facebook và Youtube, phối hợp cùng Bộ quản lý chặt chẽ các kênh Youtube có tính năng kiếm tiền về nội dung đăng tải quảng cáo và việc đóng thuế. Có chính sách thúc đẩy phát triển mạng xã hội Việt Nam, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong nước ngăn chặn các website không rõ nguồn gốc, đưa tin giả mạo, kiên quyết xử lý tình trạng “báo hóa”, sửa đổi, bổ sung về quy định tên miền, chế tài xử phạt để hạn chế tình trạng “báo hóa”…
Đặc biệt, Cục PTTH&TTĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan cùng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam…
Đối với lĩnh vực Thông tin đối ngoại, trong năm 2019, Cục Thông tin đối ngoại đã tổ chức thành công các sự kiện trong và ngoài nước: Triển lãm ảnh và Tuần phim “Việt Nam - Điểm hẹn thế giới 2019” tại Thuỵ Điển. Đây là sự kiện thông tin đối ngoại quan trọng do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thuỵ Điển, tạo dấu ấn trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Tổ chức 03 cuộc triển lãm ảnh và phim phóng sự - tài liệu về Đất nước, con người - Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu – Các dân tộc trong cộng đồng ASEAN tại tỉnh Đồng Nai, Khánh Hoà, Cần Thơ.
Tổ chức biên soạn và phát hành các ấn phẩm, tài liệu, phim về TTĐN trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài, phù hợp với từng địa bàn như: Sản xuất hơn 60 phim tài liệu trong chuyên mục “Văn hoá và hội nhập”; Chương trình phim chuyên đề 2019 được phát sóng định kỳ hàng tháng trên kênh Văn hoá – Du lịch VOV, Truyền hình Thông tấn và một số đài truyền hình trong nước. Xuất bản sách “Ấn tượng Việt Nam năm 2019”; Tổ chức sản xuất và phát sóng 09 bộ phim về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Lào, phối hợp sản xuất các sản phẩm thông tin tuyên truyền đối ngoại (series phim về du lịch biển và văn hoá ẩm thực Việt Nam) không sử dụng ngân sách nhà nước.
Tiếp tục thực hiện trang fanpage “Vietnam Now” để đẩy mạnh truyền thông chính sách cho Chính phủ; quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới; Tăng cường công tác thông tin đối ngoại với Lào, Campuchia; lần đầu tiên tổ chức Ngày hội giao lưu nhà báo trẻ, thanh niên, sinh viên các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam – Campuchia tại TP.Hồ Chí Minh và Tây Ninh; Hợp tác với Đài Truyền hình Apsara (Campuchia) mở chuyên mục “Cửa sổ Việt Nam” phát sóng các chương trình giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Campuchia; Tổ chức thành công Chương tình “Thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào tại Nghệ An”…
Đối với lĩnh vực Thông tin cơ sở: Cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ TT&TT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”; Lãnh đạo Bộ ký ban hành văn bản số 1879/BTTTT-TTCS ngày 13/6/2019 về Danh mục các thiết bị cơ bản và yêu cầu kỹ thuật của đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT; vận động một số doanh nghiệp tài trợ đầu tư, đưa vào sử dụng 41 đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT cho một số xã đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa có đài truyền thanh hoặc đài truyền thanh xuống cấp không còn hoạt động. Tổ chức Hội nghị toàn quốc tập huấn công tác thông tin cơ sở bằng hình thức trực tuyến, phối hợp với các Sở TT&TT tổ chức 2 hội thi tuyên truyền biển, đảo cho các đội tuyên truyền lưu động 09 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cục đã hướng dẫn và cung cấp thông tin cho hệ thống thông tin cơ sở tập trung tuyên truyền, phổ biến 13 nhiệm vụ tuyên truyền đột xuất; Tổ chức 27 nhiệm vụ tuyên truyền cơ sở được giao thực hiện trong năm 2019, tăng 7 nhiệm vụ so với năm 2018; Triển khai thực hiện 47 nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao.
Đối với lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành: Cục đã chủ trì xây dựng, triển khai kế hoạch hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tiến hành Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam; phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2; xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 của Bộ trưởng Bộ TT&TT nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển.
Cũng trong năm 2019, số lượng xuất bản phẩm trong toàn ngành là 33.087, số đầu sách là 31.438, số xuất bản phẩm là 430.142.259. Doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt hơn 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận là hơn 212 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 187 tỷ đồng. Bình quân số bản sách/người/năm là 4,3 bản sách/người/năm. Lĩnh vực in đạt hơn 96 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là hơn 7,2 tỷ đồng. Tổng lao động ngành in là 57.253 người.
Về việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đúng quy trình, thời gian rút ngắn, bảo đảm hiệu quả hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cục đã xử lý số lượng hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 là 4.084 hồ sơ, tăng 0,9%; cấp đổi 04 giấy phép hoạt động in; cấp 792 giấy xác nhận đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh…
Ngoài ra, Cục đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ xuất bản cho các Tổng Giám đốc, Giám đốc, Tổng biên tập, ban phụ trách bộ phận biên tập của các nhà xuất bản trên toàn quốc; tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu năm 2019; Tổ chức Bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ quản lý hoạt động in…
Cục đã thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TT&TT tham gia Hội chợ sách quốc tế Cu Ba năm 2019, tặng bản quyền miễn phí 21 đầu sách Việt Nam cho phía Cu Ba, xuất bản và phát hành trên lãnh thổ Cu Ba và khu vực Mỹ La tinh; phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội tổ chức thành công gian hàng Hà Nội – Việt Nam tại Hội chợ sách Frankfurt 2019 với diện tích lên tới hơn 140m2....Tổ chức 2 lớp đào tạo nghiệp vụ xuất bản và in cho cán bộ Lào tại Viêng-chăn, Lào; tiếp nhận và đào tạo 05 cán bộ quản lý và kỹ thuật ngành in của Lào tại Việt Nam, triển khai hoạt động hợp tác với Hàn Quốc về trao đổi thông tin, tổ chức Ngày Hội bản quyền tại Việt Nam; tham gia Hội nghị thường niên tổ chức mã số sách quốc tế 2020 tại Chile,...
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Cục Báo chí
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá: Năm 2019 là năm Khối thông tin tuyên truyền có khối lượng công việc đồ sộ, phương thức, cách thức điều hành có nhiều thay đổi, song Khối thông tin tuyên truyền đã cố gắng khắc phục khó khăn, thích ứng với phương thức chỉ đạo mới của Bộ trưởng Bộ TT&TT. Các đơn vị trong Khối thông tin tuyên truyền đã tạo sự đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo đến nhân viên và có sự phối hợp có hiệu quả với các đơn vị trong Khối và các đơn vị thuộc Bộ…
Cơ bản nhất trí với các phương hướng của các đơn vị trong Khối thông tin tuyên truyền trong năm 2020, Thứ trưởng yêu cầu Khối thông tin tuyên truyên cần làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Chủ động và tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong Khối và các đơn vụ thuộc Bộ TT&TT để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các đơn vị thuộc Khối thông tin tuyên truyền; thay đổi phương thức làm việc theo tư duy mới, tầm nhìn mới…
Cục Báo chí tập trung đôn đốc thực hiện theo đúng Quy hoạch báo chí đã được phê duyệt, chấn chỉnh tình trạng “báo hóa tạp chí”; Cục PTTH&TTĐT tiếp tục triển khai Nghị định 72 và Nghị định 06 và phải kiên quyết làm. Đối với Nghị đinh 72, Cục phải lắng nghe ý kiến nhiều chiều, để doanh nghiệp nước ngoài phải thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam như doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng “bảo hộ ngược”; Cục Thông tin cơ sở đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động truyền thanh cơ sở; Cục Thông tin đối ngoại có kế hoạch/chương tình xây dựng chương trình quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài một cách cụ thể, bài bản; Cục Xuất bản – In – Phát hành cần tập trung triển khai Chương trình/kế hoạch Sách quốc gia và chú trọng đến việc chấn chỉnh vấn đề in lậu.
Song song với đó, các đơn vị trong Khối thông tin tuyên truyền tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp Thanh tra Bộ TT&TT kịp thời chấn chỉnh các vi phạm. Cần cân nhắc khi xử lý, với trường hợp vi phạm phải xử lý. Không chỉ phạt tiền mà cần các hình thức bổ sung như đình bản, thu hồi giấy phép... Đồng thời, các đơn vị trong Khối phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chủ động phối hợp với các cục, vụ chức năng trong Bộ hỗ trợ hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu đánh giá/báo cáo phù hợp với chức năng quản lý của mình…