Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào sáng 6/9/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ đạo, từ nay đến cuối năm Bộ sẽ tập trung triển khai giai đoạn 2 của Đề án số hóa truyền hình. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý phải quản lý chặt chẽ mô hình phối hợp giữa Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích và Ban quản lý chương trình Viễn thông công ích để tránh xảy ra sai sót, tiêu cực.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, vào 15/8/2016, Bộ TT&TT đã chỉ đạo thực hiện tắt sóng truyền hình tương tự ở 4 thành phố, việc ngừng phủ sóng truyền hình analog ở 4 thành phố đánh dấu cơ bản thành công giai đoạn 1 của Đề án Số hóa truyền hình.
Sau thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog, do được chuẩn bị tốt nên Bộ TT&TT ghi nhận không có sự phàn nàn đáng kể nào trên các hệ thống thông tin, kể cả kênh tiếp nhận thông tin chính thức cũng như các diễn đàn trên mạng xã hội.
Ông Hoan cho hay, trong tháng 9 sẽ tổng kết, đánh giá giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền hình nhằm rút kinh nghiệm cho triển khai giai đoạn 2. Trong đó, báo cáo nhấn mạnh tới tổng kết việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho hộ nghèo cận nghèo. Đây là việc rất quan trọng.
Ngày 15/8 vừa qua, 4 thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ đã chính thức tắt hoàn toàn các kênh truyền hình analog để chuyển sang phát sóng số. Cùng tắt sóng trong giai đoạn 1 này là một số địa bàn thuộc 19 tỉnh lân cận với 4 thành phố bị ảnh hưởng.
Theo lộ trình số hóa truyền hình được Chính phủ phê duyệt, tới ngày 31/12/2016 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của lộ trình số hóa. Trong đó, có thêm 26 tỉnh thành thuộc nhóm 2 sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog.
Các tỉnh sẽ ngắt sóng truyền hình analog giai đoạn 2 bao gồm:
Miền Bắc (13 tỉnh): Hà Nội mở rộng (Hà Tây cũ), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ.
Miền Trung (3 tỉnh): Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận.
Đông Nam Bộ (3 tỉnh): Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tây Nam Bộ (7 tỉnh): Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang.
Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh ở khu vực Nam Bộ và Bắc Bộ đã bị ảnh hưởng khi 4 thành phố ngắt sóng truyền hình analog. Trong giai đoạn 1, Bộ TT&TT thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình mặt đất cho 327.324 hộ nghèo, cận nghèo thuộc một phần của 19 tỉnh, thành lân cận với 4 thành phố.
Bộ TT&TT đang triển khai dự án hỗ trợ cho số hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới phát sinh tại 19 tỉnh lân cận, số lượng khoảng 136.357 hộ trong thời gian tới.
Do đã triển khai một phần lớn công việc ngay trong giai đoạn 1 nên giai đoạn 2 của Đề án số hóa truyền hình sẽ giảm khối lượng công việc rất nhiều.