Dự thảo Nghị định mới về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được Bộ TT&TT xây dựng trên quan điểm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng CNTT và tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong đầu tư ứng dụng CNTT (Ảnh minh họa: Internet) |
Việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước) là một trong những nhiệm vụ đã được Bộ TT&TT tập trung triển khai trong thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử.
Hiện tại, dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được Bộ TT&TT hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét ban hành. Dự thảo Nghị định này có bố cục gồm 5 chương, 65 Điều và 4 Phụ lục là các biểu mẫu.
Trong tờ trình ban hành Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bộ TT&TT nêu rõ, Nghị định này được xây dựng trên quan điểm: Kế thừa những quy định của Nghị định 102 năm 2009 và Quyết định 80 năm 2014/QĐ-TTg đã ổn định đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả; Đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công; Đảm bảo quy định phù hợp với lĩnh vực đầu tư ứng dụng CNTT do đặc thù của sản phẩm công nghệ thông tin là sản phẩm mang tính vô hình, không hiện hữu như các sản phẩm đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời sản phẩm CNTT có vòng đời ngắn do công nghệ thay đổi liên tục;
Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng CNTT, đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong đầu tư ứng dụng CNTT; Các quy định phải phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế, cơ chế, chính sách của giai đoạn hiện tại và có dự báo cho tương lai, đảm bảo tính khả thi cho các đối tượng áp dụng và các vùng, miền trong cả nước.
Thông tin về những nội dung mới của dự thảo Nghị định, Bộ TT&TT cho biết, về quản lý dự án ứng dụng CNTT, dự thảo Nghị định mới bỏ các quy định không phù hợp đối với dự án đầu tư ứng dụng CNTT như: đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT, giám sát công tác khảo sát; “thi công”; chỉ huy thi công tại hiện trường, giám sát thi công đối với phần mềm; bản vẽ hoàn công; giám sát của cộng đồng; bổ sung quy định nhiều phương pháp xác định chi phí trong tổng mức đầu tư, dự toán để các cơ quan lựa chọn phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của dự án. Quy định xác định chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm theo báo giá thị trường để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đồng thời, đơn giản hóa các nội dung trong thiết kế cơ sở đối với phần mềm nội bộ đủ để lấy báo giá thị trường, còn việc lập dự toán chi tiết được cụ thể trong thiết kế thi công và dự toán ở giai đoạn thực hiện đầu tư;
Bổ sung quy định việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư trong nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc theo báo giá thị trường hoặc kết hợp các phương pháp hoặc căn cứ theo kế hoạch ứng dụng CNTT được duyệt vì Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn hiện hành chưa có hướng dẫn cách xác định sơ bộ tổng mức đầu tư trong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Dự thảo Nghị định còn quy định các bước thiết kế ứng dụng CNTT gồm có: thiết kế 1 bước hoặc 2 bước. Trong đó quy định về các trường hợp thiết kế 1 bước (tương ứng với các trường hợp dự án thực hiện theo hình thức lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) để rút ngắn thủ tục, đơn giản hóa quy trình triển khai dự án.
Dự thảo Nghị định mới cũng bổ sung quy định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết đối với các hoạt động mua sắm dự phòng, thay thế một phần các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có; mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, phần mềm thương mại để phù hợp với đặc thù của các hoạt động này, trong đó chỉ bao gồm danh mục thiết bị cùng với các thông số kỹ thuật;
Cùng với đó, dự thảo Nghị định không quy định các nội dung về đánh giá năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; không quy định các nội dung về bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, tại tờ trình Chính phủ, Bộ TT&TT cũng trình bày cụ thể những nội dung mới cơ bản của dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với các hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên; với dự án thuê dịch vụ CNTT; và với hoạt động thuê dịch vụ CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên.
Bộ TT&TT cho biết thêm, các nội dung quy định của dự thảo Nghị định là các quy định theo hướng khắc phục những quy định không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hiện hành (Nghị định 102/2009/NĐ-CP và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg); đồng thời, quy định các nội dung phù hợp với tính chất đặc thù trong quản lý đầu tư ứng dụng CNTT.
"Do vậy, nguồn lực bảo đảm thi hành văn bản không nằm ngoài những chính sách, chương trình, hoạt động ứng dụng CNTT hiện hành đang được các Bộ, ngành, địa phương triển khai", Bộ TT&TT khẳng định.