Trong phiên chất vấnBộ trưởng Trương Minh Tuấn vào ngày 17/11/2017, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã đặt vấn đề về việc quảng cáo tràn lan các loại thuốc, cơ sở điều trị trên mạng gây hoang mang cho cử tri, các cửa hàng của Trung Quốc có cả phiên dịch chuyên bán cho người Việt. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi: Bộ trưởng làm gì để hạn chế tình trạng này? Cách phân loại tiêu chí thông tin trên Internet như thế nào? Biện pháp nào ngăn ngừa xử trí sai phạm của báo chí, đảm bảo báo chí hoạt động lành mạnh?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về quảng cáo thuốc trên mạng tràn lan, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, đây là vấn đề nhận được nhiều câu hỏi. Thực trạng quảng cáo trên mạng, trên truyền hình được điều chỉnh bởi Luật Quảng cáo. Một số điều được quy định ở Nghị định 72. Trên thực tế có tình trạng lợi dụng Internet, sử dụng trang mạng ở nước ngoài để đăng nội dung quảng cáo hàng giả, hàng nhái thậm chí hàng cấm. Nội dung quảng cáo không đúng tính năng với sản phẩm. Khi phát hiện Bộ TT&TT đã phối hợp với các mạng nước ngoài gỡ bỏ gần 400 đường link rao bán sản phẩm bất hợp pháp. Và hiện tại Bộ TT&TT đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành (phối hợp với Bộ Y tế) kiểm tra công tác này.
Giải pháp hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, tới đây Bộ TT&TT sẽ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 72 để trình Chính phủ ban hành, đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan, tăng cường công tác thanh kiểm tra, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất để quản lý tốt hơn.
Đối với việc phân loại thông tin độc hại theo tiêu chí nào, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Loại thứ nhất là thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, kích động chiến tranh, đòi lật đổ chế độ. Loại thứ hai là xâm phạm danh dự đời tư. Loại thứ ba là gây phương hại cho sức khoẻ , tính mạng, danh dự và nhân phẩm của con người, những thông tin xuyên tạc gây ảnh hưởng đến thể chất con người.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, Bộ đã lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông tăng cường tuyên truyền cho người dùng. Còn việc dùng biện pháp kỹ thuật để hạn chế thông tin độc hại thì khó khăn lớn nhất là giải pháp kỹ thuật chưa cho phép tách riêng để chặn mà phải chặn toàn bộ web, việc này gây phản ứng cho các nhà mạng và kể cả dư luận trong nước. Các đối tượng phát tán sử dụng mạng xã hội bằng việc kết hợp các hình thức tiếp thị trực tuyến khó kiểm soát, lợi dụng mạng viễn thông di động để gửi tin nhắn quảng cáo. Người dân ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội ở nước ngoài trong bối cảnh nước ta chưa có một dịch vụ tương tự để phục vụ nhu cầu của người dân. Việt Nam cũng chưa có giải pháp ngăn chặn dòng tiền quảng cáo nội dung xấu. Google có chính sách chia sẻ doanh thu quảng cáo với người chia sẻ thông tin nên các đối tượng thù địch đã lợi dụng điều này để đăng tải thông tin xấu, như một công việc nhẹ nhàng có thu nhập cao, việc bôi nhọ nói xấu người khác cũng được dùng vào mục đích này. Năm 2016 thu nhập từ quảng cáo Google ở Việt Nam là hơn 100 triệu USD nhưng không đóng 1 đồng thuế nào.