Theo Báo cáo "Xếp hạng mức độ Ứng dụng CNTT ở các Bộ, ngành, Tỉnh, thành phố trong năm 2012" vừa được công bố, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước là 3 đơn vị đạt điểm số cao nhất.

{keywords}
Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT

Cụ thể, Bộ TT&TT đã tăng từ hạng 7 trong bảng xếp hạng 2011 lên vị trí số 1 trong danh sách năm nay, vượt trên Bộ Công Thương, đơn vị cũng tăng từ hạng 6 năm ngoái lên hạng 2 năm nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước mới là đơn vị có bước nhảy vọt mạnh nhất trong danh sách, khi tăng liền 9 bậc - từ hạng 12 lên hạng 3. Bộ Giáo dục & Đào tạo, đơn vị dẫn đầu 22 Bộ, ngành năm ngoái về mức độ ứng dụng CNTT năm nay đã tụt xuống vị trí số 7.

Việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước và các tỉnh, thành phố trên cả nước đã được Bộ TT&TT tiến hành thường niên từ năm 2008. Năm nay, công tác khảo sát được thực hiện dựa trên 5 nhóm tiêu chí là Hạ tầng kỹ thuật; Triển khai ứng dụng CNTT; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Cơ chế, chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT; Nhân lực, đầu tư cho ứng dụng CNTT.

Trong đó riêng tiêu chí Triển khai ứng dụng CNTT được đánh giá theo 2 nhóm thành phần là ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của cơ quan và Ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo Báo cáo, Bộ TT&TT là đơn vị dẫn đầu về ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2012, trong khi Bộ Ngoại giao là Bộ cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất.

Đối với nhóm tiêu chí Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính cùng dẫn đầu 30 Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ được khảo sát.

"Trong năm 2012, việc đánh giá dịch vụ công trực tuyến tiếp tục tập trung theo hướng lấy người dân làm trung tâm: chú trọng tới tính hiệu quả, thuận tiện, dễ tìm, dễ sử dụng và thuận lợi cho tất cả mọi người", báo cáo nhấn mạnh.

Đối với nhóm 63 Tỉnh, Thành phố, Đà Nẵng vẫn duy trì được vị trí số 1 của năm 2011 về mức độ ứng dụng CNTT tổng thể. Dù đứng ở vị trí số 2 song Hà Nội đã có sự tiến bộ vượt bậc so với Báo cáo năm 2011 khi tăng tới 17 bậc. Thanh Hóa, TP.HCM và Nghệ An là 3 Tỉnh, thành còn lại trong Top 5. Ở tốp cuối trong danh sách, Tuyên Quang, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu và Sơn La là 5 tỉnh có điểm số ứng dụng CNTT thấp nhất.

Không nhiều tiến bộ

Mặc dù vậy, báo cáo thừa nhận trong năm qua, mức độ ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có nhiều tiến bộ so với năm 2011.

Về tổng thể, tỉ lệ các cơ quan đạt mức Tốt, Khá có tăng nhưng vẫn còn thấp, tỉ lệ cơ quan đạt mức Khá chỉ đạt khoảng 20% và mức Tốt là dưới 2%. Bên cạnh đó, vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các đơn vị đứng đầu và các đơn vị phía dưới. Đánh giá theo các tiêu chí thành phần, tỉ lệ cơ quan đạt mức Khá tăng nhiều ở nhóm tiêu chí về Hạ tầng kỹ thuật CNTT, Ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý chỉ đạo điều hành.

Về cung cấp thông tin trên Website/Cổng Thông tin: Trong năm 2012 mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp hàng nghìn tin bài lên Website/Portal và các tin bài cũng được cập nhật hàng ngày, nhiều cơ quan tin bài được cập nhật nhiều lần trong ngày. Bên cạnh đó, các mục tin theo quy định của Nghị định 43 cũng đã được các cơ quan chú ý bổ sung hoàn thiện. Đặc biệt trong năm 2012, Bộ Quốc phòng đã chính thức đưa Cổng thông tin điện tử của Bộ (www.mod.gov.vn) vào hoạt động, với sự kiện này, mục tiêu 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có Trang/Cổng thông tin điện tử đã hoàn thành.

Đối với tiêu chí cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Năm 2012 đã có 49 tỉnh, thành phố cung cấp 1609 dịch vụ mức độ 3, 2 thành phố cung cấp 5 dịch vụ mức độ 4. Cùng với sự tăng trưởng về dịch vụ, số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến cũng tăng nhiều. Các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến lớn là: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thanh Hóa.

Trọng Cầm