|
Ứng dụng CNTT-TT là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Ứng dụng CNTT là nhiêm vụ ưu tiên hàng đầu
Tại buổi đối thoại, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định: "Đảng, Nhà nước khuyến khích ứng dụng CNTT trong các hoạt động, đặc biệt là quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 vừa qua về phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội đã coi thúc đẩy, ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của việc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của các cấp, ngành".
Để làm rõ hơn quyết tâm này, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT - Bộ TT&TT cho biết, từ nay tới năm 2015 sẽ có 3 nội dung lớn được tập trung triển khai.
Thứ nhất, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử an toàn, hiệu quả. Cụ thể sẽ triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; hệ thống chữ ký số phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, triển khai hệ thống xác thực điện tử quốc gia; phấn đấu phát triển và hoàn thiện những hệ thống thông tin quy mô toàn quốc về cơ sở dữ liệu quốc gia (tập trung vào cơ sở dữ liệu quốc gia về con người, tài nguyên - môi trường, kinh tế, công nghiệp và thương mại).
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí. Phấn đấu đến 2015 có khoảng 60% văn bản, tài liệu trao đổi chính thức giữa các cơ quan Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử.
Thứ ba, tập trung phát triển cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu tới 2015 thì hầu hết các cơ quan từ cấp sở, ban, ngành, quận, huỵên trở lên có website, cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Kế tiếp, trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động phát triển ứng dụng CNTT được triển khai theo 2 định hướng lớn: Tổ chức tích hợp các hệ thống thông tin toàn quốc đã được triển khai giai đoạn 2011 - 2015, tạo môi trường mạng rộng khắp phục vụ cho hoạt động các cơ quan Nhà nước và hầu hết giao dịch của các cơ quan Nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng; Hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Phúc thừa nhận việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước thời gian qua chưa đồng đều giữa các Bộ, ngành, địa phương mà một trong những nguyên nhân là đặc thù nhu cầu ứng dụng CNTT của các Bộ khác nhau và nền tảng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật của các địa phương khác nhau.
"Để triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ trên cả nước, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 165 phê duyệt Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015; hướng dẫn và thẩm định kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước ở cấp Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2015, hàng năm đều đưa ra hướng dẫn kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước; thường xuyên đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT để đảm bảo cho hệ thống thông tin triển khai đồng bộ, liên thông với nhau", ông Phúc cho biết thêm.
6 nhóm việc cần làm để sớm có Nước mạnh về CNTT-TT
Phát triển ứng dụng CNTT-TT cũng là một trong những nội dung quan trọng của Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT" được Thủ tướng phê duyệt từ 22/9/2010.
Để cộng đồng nhân dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về Đề án, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT đã tóm tắt 6 nhóm việc cần làm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong Đề án.
Cụ thể, về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội sẽ tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong các tổ chức và doanh nghiệp, tiến tới xây dựng xã hội điện tử.
Về nguồn nhân lực CNTT, đẩy mạnh các khóa đào tạo chất lượng cao, bổ sung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ như các chuyên gia phân tích, tư vấn, thiết kế, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, khuyến khích việc giảng dạy CNTT bằng tiếng Anh trong các trường cao đẳng, đại học, phấn đấu tới năm 2020 Việt Nam có 1 triệu nhân lực CNTT.
Về công nghiệp CNTT, sớm phê duyệt Chương trình Quốc gia về phát triển công nghiệp CNTT tới năm 2020. Đây là việc làm nhằm đảm bảo tính liên tục trong cơ chế, chính sách của Nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT vượt qua giai đoạn khó khăn.
Về hạ tầng viễn thông băng rộng và CNTT, sẽ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, thực hiện cáp quang hóa và ngầm hóa đường cáp, thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn an ninh thông tin quốc gia
Về mở rộng, phổ cập thông tin đến các hộ gia đình, sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích; nghiên cứu và hỗ trợ các thiết bị thông tin số phục vụ khả năng tiếp cận thông tin cho người cao tuổi và người khuyết tật…
Về tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, cần xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung về CNTT, có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn chủ lực tham gia phát triển sản phẩm lõi, công nghệ nguồn có khả năng thương mại hóa cao…
"Với những giải pháp đồng bộ trên, việc Việt Nam sớm trở thành Nước mạnh về CNTT và có vị thế xứng đáng trên bản đồ CNTT thế giới vào năm 2020 là hoàn toàn có thể thành hiện thực", ông Đường nhận định.