Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”. Theo nghiên cứu của CIEM được công bố tại hội thảo, sau một năm, Bộ Thông tin và Truyền thông là một trong những Bộ có tỷ lệ điều kiện kinh doanh bị cắt giảm nhiều nhất, cụ thể là đã cắt giảm 116 điều kiện, chiếm tỷ lệ 46% (Bộ Xây dựng - cắt giảm 158 điều kiện, chiếm 73,5%; Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch - cắt giảm 61 điều kiện, chiếm 51%...).
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM, trong 4 Bộ gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, thì có khoảng 30% số quy định kinh doanh đã được cắt bỏ, sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Riêng trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông có 4 nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh được ban hành, trong đó 1 nghị định sửa nhiều nghị định và 3 nghị định quy định về điều kiện kinh doanh.
“Tôi rất chú ý với Bộ Thông tin và Truyền Thông bởi vì tôi đọc dự thảo 1 nghị định sửa nhiều nghị định trình Chính phủ và Bộ Tư pháp nó khác hẳn so với Nghị định được ban hành. Điều này cho thấy Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp thu rất nhiều ý kiến góp ý. Tôi rất ấn tượng với Bộ Thông tin và Truyền thông, dù Nghị định vừa được ban hành đầu tháng 11 nhưng đã có rất nhiều thay đổi”, bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.
Thực tế thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đầu tháng 9/2018, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo các kết quả cập nhật về tình hình ban hành các văn bản liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và quy định về điều kiện kinh doanh. Kết quả cho thấy, các bộ ngành dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 3.807 điều kiện kinh doanh và 6.003 dòng hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Trong tổng số 6.213 điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản hóa, cắt giảm 3.807 điều kiện, đạt 61,3%, vượt 11,3% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, các Bộ có nhiều điều kiện kinh doanh và cũng có kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa nhiều nhất là Công Thương (1.216 điều kiện, đã ban hành Nghị định số 08 cắt giảm 675 điều kiện); Y tế (1.871 điều kiện, dự kiến cắt 1.363 điều kiện); Tài chính (370 điều kiện, dự kiến cắt giảm 190 điều kiện)…
Bộ TT&TT được Tổ công tác đánh giá cao vì đã lên kế hoạch sửa đổi, bổ sung 6 nghị định để cắt giảm 199 điều kiện kinh doanh (51,7%).
Trước đó, vào trung tuần tháng 6/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 922 ban hành Kế hoạch Tổng thể thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Ngoài việc thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, yêu cầu của Kế hoạch tổng thể còn bám sát các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới và về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Theo Kế hoạch tổng thể, trong những năm tới, Bộ TT&TT sẽ giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.