Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra lại tuổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh Bình Phước ngày 14/11 do đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng dự có các Thứ trưởng Phạm Hồng Hải; Phạm Anh Tuấn và lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ TT&TT.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về kết quả triển khai thoả thuận hợp tác giữa Bộ TT&TT với tỉnh Bình Phước, tham vấn về kế hoạch triển khai xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) cho tỉnh Bình Phước.
Thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh Bình Phước, đến nay Bộ TT&TT đã thực hiện hỗ trợ đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở tại một số xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, Bình Phước đã triển khai thí điểm tại xã Long Giang, thị xã Phước Long.
Bộ TT&TT đã hỗ trợ rà soát, cập nhật các phương án, kế hoạch an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh; điều phối, xử lý các sự cố về an toàn thông tin; triển khai các chương trình tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin cho người dùng internet trên địa bàn tỉnh; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP (trục liên thông văn bản) phục vụ cho hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Bộ TT&TT cũng hỗ trợ tỉnh triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước; cung cấp tài khoản để giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng và quy trình gỡ bỏ các thông tin xấu, độc trên báo chí, mạng xã hội. Thực hiện dự án “Truyền thông và giảm nghèo thông tin”; thiết lập một cụm thông tin cơ sở; hỗ trợ kinh phí trang bị cho dự án đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thanh cơ sở các xã về đích nông thôn mới năm 2019.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Phước đã kiến nghị, đề xuất Bộ TT&TT sớm hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số vệ tinh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP kết nối mở rộng ra các hệ thống thông tin của tỉnh và kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia. Hỗ trợ kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các Bộ ngành, địa phương trong gửi, nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến… với nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia.
Tỉnh cũng đề xuất hỗ trợ thực hiện dự án tạo lập, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu dùng chung; hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh kết nối với Chính phủ; tư vấn tỉnh triển khai chính quyền điện tử, xây dựng Trung tâm an toàn thông tin tỉnh nhằm phát hiện, cảnh báo hỗ trợ xử lý các vụ tấn công, sự cố, mã độc, lỗ hổng, rủi ro an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử và kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định: Bình Phước dù nguồn lực còn hạn chế, song tỉnh rất quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử để phục tốt cho nhân dân, doanh nghiệp và quản lý xã hội. Hàng năm, tỉnh đều bố trí nguồn ngân sách khá lớn cho lĩnh vực này, trong đó tỉnh ưu tiên xóa nghèo thông tin cho khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết nếu Bộ TT&TT hỗ trợ được 6.000 đầu thu kỹ thuật số vệ tinh, tỉnh sẽ khảo sát phân bổ vốn để đầu tư màn hình tivi đối ứng tặng đồng bào nghèo.
Những kiến nghị, đề xuất của tỉnh đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và yêu cầu các Cục, Vụ liên quan báo cáo, đề xuất các phương án để sớm hỗ trợ tỉnh Bình Phước. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Vụ Bưu chính hỗ trợ tỉnh thí điểm chuyển giao cho Bưu điện Bình Phước thực hiện các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh như cách mà tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện rất thành công.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng chia sẻ một số kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả phát triển CPĐT, đó là: Công tác chỉ đạo phải tập trung, tránh phân tán; Có cam kết của người đứng đầu trong đổi mới, dám nghĩ dám làm; Có chiến lược về CPĐT; Bố trí ngân sách cố định hàng năm; Áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật trong triển khai các dự án; Đo đạc hiệu quả dịch vụ, lấy người dân làm trung tâm phục vụ và phải tiết kiệm chi phí;…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bình Phước cần quan tâm xây dựng bộ phận truyền thông chuyên trách để kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, công khai sự hài lòng của người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Theo Bộ trưởng, muốn ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả thì phải song hành với cải cách thủ tục hành chính và nếu Bình Phước gặp khó khăn trong lĩnh vực này thì thông tin kịp thời để Bộ có phương án hỗ trợ./.