Đây là một nội dung trong công văn vừa được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ TT&TT để truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước năm 2016.

Theo công văn này, trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ TT&TT tại văn bản 1556 ngày 9/5/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ TT&TT, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Nghị quyết 19 ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và các văn bản có liên quan.

Bên cạnh việc giao Bộ TT&TT khẩn trương tổ chức nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án tăng cường quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu quốc gia trong quý III/2017; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo Quyết định về quy chế gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền trong quý III/2017, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Trước đó, vào ngày 9/5/2017, Bộ TT&TT công bố “Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016” được Bộ thực hiện thời gian vừa qua, với số liệu tổng hợp từ báo cáo tình hình ứng dụng CNTT của các cơ quan, đơn vị và quá trình xác nhận số liệu được thực hiện đến tháng 4 năm nay.

Báo cáo này nhằm đánh giá hiện trạng mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó thể hiện kết quả triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển Chính phủ điện tử.

Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan nghiên cứu “Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016” và có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phạm vi quản lý của mình, góp phần thực hiện thành công Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử

Bộ TT&TT cho hay, năm 2016, công tác khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của cơ quan nhà nước được thực hiện đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cách đánh giá mức độ ứng dụng năm 2016 thực hiện theo Phương pháp đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước năm 2016 được ban hành theo Quyết định 62 ngày 19/1/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT. Kết quả đánh giá được công bố theo từng hạng mục cho 3 khối cơ quan là khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, khối các cơ quan thuộc Chính phủ và khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo này, công tác ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử đã được lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua, thể hiện từ sự quan tâm đến công tác xây dựng kế hoạch, chính sách đến công tác triển khai và kiểm tra đánh giá, thu hút và hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách CNTT. Kết quả ứng dụng CNTT đã góp phần cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Báo cáo của Bộ TT&TT cũng đã đánh giá cụ thể các mặt của công tác ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương theo 6 hạng mục gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Triển khai ứng dụng CNTT; Trang/ Cổng Thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT; Nhân lực.

Đơn cử như, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, báo cáo của Bộ TT&TT nêu rõ, với quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy Chính phủ điện tử qua việc phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị định 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong năm 2016, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của các cơ quan cung cấp ngày càng tăng.

Các Bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiệu quả cao (có hàng trăm ngàn đến hàng triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến) là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Các tỉnh, thành phố có nhiều hồ sơ được giải quyết trực tuyến là Hà Nội, An Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tiền Giang. “Thông qua dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp đã giảm được nhiều thời gian, thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước”, Bộ TT&TT cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo đánh giá của Bộ TT&TT, hiện còn có dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 tại nhiều địa phương có hiệu quả chưa cao, chưa có hồ sơ trực tuyến hoặc só lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp. Nhiều dịch vụ còn triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lặp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng lại thông tin. Điều này làm cho việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân chưa thật sự thuận tiện và là một trong những nguyên nhân làm giảm sự hiệu quả của dịch vụ.