Bộ TT&TT vừa ra Quyết định 578 ban hành Khung tiêu chí, thành lập Hội đồng và quy trình xác định nền tảng số phục vụ người dân năm 2022.
Theo đó, Khung tiêu chí xác định nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp phục vụ người dân (gọi tắt là nền tảng số phục vụ người dân) năm 2022 gồm 4 nhóm tiêu chí chính: Tiêu chí về tư cách pháp nhân và năng lực của tổ chức, doanh nghiệp. Tiêu chí về chức năng và tính năng của nền tảng số; Tiêu chí về an toàn, an ninh mạng; Tiêu chí đặc thù khác theo từng tình huống, nền tảng cụ thể.
Hội đồng đánh giá xác định nền tảng số phục vụ người dân năm 2022 có Chủ tịch là Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam.
Hội đồng còn có các Ủy viên gồm Cục trưởng Cục Tin học hóa; Cục trưởng Cục An toàn thông tin; đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, đại diện lãnh đạo Viện phần và nội dung số Việt Nam; đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ KH&CN, Vụ CNTT, Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan.
Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm bố trí các điều kiện làm việc cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu của Hội đồng.
Vụ Quản lý doanh nghiệp là cơ quan điều phối chung, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan thường trực Hội đồng triển khai đánh giá các nền tảng số phục vụ người dân; tổng hợp, thẩm tra kết quả đánh giá, thực hiện các thủ tục trình Lãnh đạo Bộ TT&TT công nhận.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số và phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số (Ảnh minh họa) |
Căn cứ theo Khung tiêu chí xác định nền tảng số phục vụ người dân và tính chất, đặc điểm đặc thù của nền tảng số được đánh giá, trên cơ sở tham khảo ý kiến của doanh nghiệp nòng cốt phát triển nền tảng số tương ứng, Hội đồng sẽ xác định tiêu chí đặc thù trong trường hợp cần thiết. Trường hợp đề xuất bổ sung tiêu chí đặc thù, Hội đồng gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp thẩm định và trình Lãnh đạo Bộ TT&TT phê duyệt để triển khai.
Hội đồng cũng có nhiệm vụ đánh giá, báo cáo kết quả, đề nghị công nhận các nền tảng số phục vụ người dân để Bộ trưởng Bộ TT&TT xem xét công nhận.
Trước đó, tại hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương một số nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số trong năm 2022, Bộ TT&TT đã nêu rõ, định hướng xuyên suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Cụ thể là, phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; Phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện những môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm;
Phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện; Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Vân Anh
Nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch sẽ ra mắt vào tháng 11
Theo kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch, nền tảng số này dự kiến được ra mắt vào tháng 11, sau khi đã triển khai tại 5 - 10 tỉnh, thành phố.