Thông tin về tình hình chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được Bộ TT&TT chia sẻ tối ngày 19/3.

Kiểm tra hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính của 150 doanh nghiệp

Qua kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính tại Hà Nội thời gian vừa qua, Bộ TT&TT nhận thấy, một số doanh nghiệp bưu chính chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bưu chính.

Cụ thể, sai phạm của các doanh nghiệp tập trung vào các hành vi chính như: Không cung ứng dịch vụ bưu chính, sử dụng giấy phép bưu chính sai mục đích, không thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo quy định. Ngoài ra, có doanh nghiệp có dấu hiệu né tránh, không hợp tác hoặc hợp tác chưa nghiêm túc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được mời làm việc.

Những vi phạm kể trên của doanh nghiệp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về bưu chính; đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ bưu chính như lộ lọt bí mật thư tín, mất bưu gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới quyền lợi của người sử dụng dịch vụ bưu chính.

kiem tra doanh nghiep buu chinh.jpg
Kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp bưu chính tại Hà Nội vừa được Bộ TT&TT công bố. Ảnh: Thu Hương

Kết quả, bên cạnh việc thu hồi giấy phép của 30 doanh nghiệp bưu chính, Bộ TT&TT đã tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính tại trụ sở chính của 150 doanh nghiệp bưu chính. Bộ TT&TT, trực tiếp là Vụ Bưu chính cũng nhận thấy, 7 doanh nghiệp bưu chính có dấu hiệu né tránh, không hợp tác hoặc hợp tác chưa nghiêm túc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được mời làm việc.

Cùng với đó, có 38 doanh nghiệp bưu chính không hoạt động tại địa chỉ ghi trên giấy phép bưu chính đã được cấp và không liên hệ được qua điện thoại, thư điện tử đã đăng ký hoặc kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính. Trong đó có: Công ty cổ phần JetLink Việt Nam, công ty cổ phần đầu tư và giao nhận Thái Hà, Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Sunshine, công ty cổ phần Sonic Việt Nam, Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Bình Minh...

Cũng trong thông tin phát ra ngày 19/3, Bộ TT&TT yêu cầu 38 doanh nghiệp bưu chính nêu trên khẩn trương liên hệ với Vụ Bưu chính theo thư điện tử [email protected] hoặc số điện thoại 02439438204. Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý các doanh nghiệp bưu chính không liên hệ theo quy định.

Sở TT&TT thành phố Hà Nội cũng được đề nghị phối hợp, hỗ trợ xác minh địa chỉ, tình trạng hoạt động của 38 doanh nghiệp bưu chính này và gửi kết quả xác minh về Bộ TT&TT trong tháng 3/2024 để xử lý theo quy định.

Thông tin với VietNamNet về kết quả thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn trong năm 2023, Sở TT&TT thành phố Hà Nội cho hay: Sở đã thanh tra, kiểm tra tại trụ sở 32 doanh nghiệp; có 3 doanh nghiệp chưa xác minh được địa chỉ, đầu mối liên hệ.

Cũng trong năm 2023, Sở TT&TT đã thu hồi 2 giấy phép bưu chính thuộc thẩm quyền do doanh nghiệp có hành vi cho thuê, mượn giấy phép bưu chính. Sở cũng đã đề nghị 11 doanh nghiệp nộp trả giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính do không cung ứng dịch vụ bưu chính được ghi trong giấy phép, văn bản xác nhận. Ngoài ra, Sở TT&TT đã xử phạt 7 doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tổng số tiền hơn 116 triệu đồng.

Bảo đảm thị trường bưu chính cạnh tranh lành mạnh

Với lĩnh vực bưu chính, Bộ TT&TT đã xác định rõ một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 là đẩy mạnh giám sát việc tuân thủ các quy định về cạnh tranh, về chất lượng dịch vụ nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững thị trường bưu chính; đánh giá, công bố xếp hạng chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính. Đồng thời, kiên quyết xử lý triệt để các doanh nghiệp bưu chính vi phạm quy định pháp luật.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và định hướng nhiệm vụ năm 2024 của Vụ Bưu chính hồi giữa tháng 1/2024, một trong những việc được Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương lưu ý Vụ cần tập trung là phối hợp chặt chẽ cùng Thanh tra Bộ để giải quyết dứt điểm câu chuyện giấy phép bưu chính bị sử dụng sai mục đích.

Thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2023, tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính là 720, với khoảng 23.700 điểm phục vụ bưu chính trên toàn quốc. Tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính trong năm ngoái ước đạt gần 59.000 tỷ đồng; sản lượng bưu chính chuyển phát ước đạt hơn 2.400 triệu bưu gửi. Đóng góp của lĩnh vực bưu chính vào GDP ước đạt hơn 29.400 tỷ đồng.

Theo Vụ Bưu chính, năm ngoái, Vụ đã thẩm định hồ sơ và trình lãnh đạo cấp 35 giấy phép bưu chính mới và 68 thông báo xác nhận hoạt động bưu chính mới. Lũy kế đến giữa tháng 1/2024, đã có 55 doanh nghiệp nộp lại giấy phép, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính và không còn là doanh nghiệp bưu chính, bao gồm các doanh nghiệp trong đợt tổng rà soát năm 2023.

Trong năm nay, Vụ Bưu chính cũng dự định tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường bưu chính, tiêu biểu như: Tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp bưu chính; đồng thời phối hợp với Bộ Công thương để đánh giá việc đảm bảo cạnh tranh lành mạnh của các sàn thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.