Chiều 6/12, Bộ TT&TT đã diễn ra buổi họp báo chuẩn bị cho Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2022.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ số và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam) lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2019.
Qua 4 năm tổ chức, Diễn đàn là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghệ số Việt Nam. Đây là sự kiện có vai trò dẫn dắt, định hình đường hướng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.
Phát biểu tại cuộc họp này, ông Võ Đức Thọ - TGĐ công ty Hanet chuyên về sản xuất camera, chủ trương thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam rất có ý nghĩa với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có Hanet đã được tư vấn, ưu đãi, thậm chí thử nghiệm vận hành sản phẩm trong khuôn viên của Bộ TT&TT.
“Thông qua Diễn đàn, cộng đồng công nghệ số mong muốn nhận được thêm sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành để sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có bay xa hơn nữa”, ông Thọ nói.
Hiện nhu cầu thị trường camera thông minh phục vụ cho các hộ gia đình, tòa nhà và cho các đơn vị tổ chức cũng như phục vụ cho công tác giám sát quản lý xã hội rất lớn. Tuy nhiên, có một thực tế là hơn 90% thị phần camera tại Việt Nam đang là camera xuất xứ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, nên việc kiểm soát an toàn, an ninh thông tin là điều đáng phải quan tâm. Thậm chí một số dòng camera hoạt động theo cơ chế Cloud kết nối về server đặt tại Trung Quốc và người dùng ở Việt Nam phải "vòng" qua server này, trước khi kết nối vào camera của mình.
Xu hướng sử dụng camera ngày càng phổ biến, nó là thành phần quan trọng trong hệ thống Chính phủ điện tử, Chính quyền số và thành phố thông minh, giúp giám sát giao thông, an ninh trật tự... Vì vậy, việc chủ động sản xuất camera là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Việt Nam. Việc các doanh nghiệp Việt Nam chủ động phát triển các thiết bị này với chất lượng tốt và đảm bảo an toàn là hết sức cần thiết, điều này cũng sẽ giảm thiểu được các nguy cơ lộ dữ liệu nhạy cảm cho người dùng.
Nhiều ý kiến cho rằng, các camera được sản xuất hay lưu hành cần có tiêu chuẩn và quy định để đánh giá được chất lượng, tính an toàn. Và nó không chỉ áp dụng cho các camera có xuất xứ từ các công ty Trung Quốc, mà kể cả các nhà cung cấp đến từ những quốc gia khác. Đặc biệt là thiết bị được dùng trong các hệ thống giám sát an ninh, thu thập thông tin của cơ quan nhà nước và các hệ thống quan trọng của quốc gia. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Lumi Việt Nam: đúng là hiện nay các thiết bị muốn hoạt động thông suốt thì cần có một hệ thống Server Cloud ở giữa để điện thoại có thể kết nối tới camera dễ dàng ở bất kì đâu. Nhiều người đã thấy được rằng dữ liệu quý như vàng, bởi nếu có dữ liệu lớn, phân tích chúng sẽ tạo ra giá trị. Tuy nhiên, mục đích sử dụng dữ liệu là vấn đề cần lưu tâm. Dữ liệu rất lớn của người dùng để trên các hệ thống Cloud có máy chủ đặt ở nước ngoài đúng là tiềm ẩn rủi ro.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc liệu Bộ TT&TT có đưa ra tiêu chuẩn cho Camera sản xuất và lưu hành tại Việt Nam hay không? ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, đây là vấn đề khó. Đối với Camera quan trọng nhất là dữ liệu. Hiện nay đa phần các quốc gia trên thế giới đã đưa ra chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong khi đó rất ít quốc gia đưa ra chính sách bảo vệ công nghiệp dữ liệu. Công nghiệp dữ liệu là dùng công nghệ số khai thác dữ liệu thô để trích xuất ra những thông tin có giá trị và có ý nghĩa. Vì vậy, Việt Nam cũng cần có chính sách cho ngành công nghiệp dữ liệu này. Đó chính là tiền đề để người dân yên tâm dùng các sản phẩm camera AI và cũng là tiền đề cho các công ty Việt Nam phát triển camera. Vì vậy, Bộ TT&TT sẽ đưa ra những chính sách này trong năm 2023.