Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã thực hiện nghi thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao bằng khen cho các cơ quan, đơn vị xuất sắc trong công tác truyền thông chính sách.
Tháng 3/2023, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 07 về tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó khẳng định truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin cơ bản quan trọng để thực hiện truyền thông chính sách.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách (11/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định: "Chúng ta làm sao mọi chính sách phải đến được với người dân với tinh thần lấy dân làm gốc, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng... Một trong những mục tiêu của truyền thông phải là xây dựng được niềm tin của người dân".
Thực hiện Chỉ thị số 07, nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về công tác này đã có chuyển biến tích cực. Trong năm 2024, ngân sách các địa phương cho truyền thông chính sách tăng trung bình 10%, có địa phương tăng tới 50%.
Đồng thời, đã hình thành mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc với hơn 13.000 đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí. 91/93 bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị số 07. Nhờ đó, công tác phối hợp truyền thông chính sách với các cơ quan báo chí có nhiều thuận lợi.
Số lượng tin bài truyền thông chính sách chiếm gần 20% tổng số lượng tin bài trên báo chí, tăng hơn gấp đôi so với trước khi ban hành Chỉ thị số 07.
Ngày 14/6, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực báo chí. Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng, trao quyền cho các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tự chủ hơn khi xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật.
Hơn 1 năm qua, Bộ TT&TT đã hỗ trợ tập huấn cho hàng nghìn cán bộ các cấp của cả nước, ban hành sổ tay cẩm nang truyền thông chính sách; ban hành văn bản theo hướng đề xuất bố trí tăng nguồn kinh phí hoạt động giao nhiệm vụ đặt hàng cho các đài truyền hình thực hiện công tác tuyên truyền và truyền thông chính sách; thúc đẩy chuyển đổi số báo chí để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, từ năm ngoái các cơ quan đã tăng ngân sách cho báo chí; sắp tới khi sửa Luật Báo chí có một mục về kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, kinh doanh để làm báo.
Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm lớn cho công tác truyền thông chính sách; thước đo hiệu quả của truyền thông chính sách là lòng tin của nhân dân. Để đạt được điều này thì truyền thông chính sách cần phát huy tối đa vai trò "đi trước mở đường", "đi cùng thực hiện" nhằm truyền tải chính sách đến với nhân dân để "chính sách sống và có hiệu lực trong thực tiễn".