Trong phiên họp đầu năm, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về dự án luật này, có 77 lượt ĐBQH phát biểu ở tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu tại hội trường.
Đa số ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) và nhất trí với nhiều nội dung. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật gồm 7 chương 54 điều.
Đa số ý kiến nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và không áp dụng một số trường hợp loại trừ. Một số ý kiến tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhưng đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi. Có ý kiến đề nghị nên hạn chế phạm vi điều chỉnh mở rộng đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như quy định trong dự thảo luật dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Việt Nam hiện đã sẵn sàng, đảm bảo an toàn, tin cậy. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch có quyền lựa chọn về công nghệ, phương tiện điện tử….
Đồng thời, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy trong GDĐT, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, GDĐT trong cơ quan Nhà nước… để có cơ sở pháp lý hướng dẫn GDĐT phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.
Thực tiễn Việt Nam cho thấy, một số lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐT năm 2005 hiện đã được triển khai GDĐT một phần như: Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn đã có dịch vụ công trực tuyến tại nhiều địa phương…
Các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ, ngành, địa phương cung cấp đang được tích cực triển khai theo hướng khép kín toàn bộ quá trình dịch vụ từ đầu đến cuối (toàn trình). Hơn nữa, việc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực KT-XH theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nhiều quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam và một số quốc gia khác cũng không hạn chế phạm vi điều chỉnh trong luật; có quốc gia chỉ quy định một số lĩnh vực loại trừ áp dụng GDĐT ở các văn bản dưới luật nhằm dễ dàng thay đổi khi điều kiện cho phép.
Về hành vi bị nghiêm cấm trong GDĐT, có ý kiến đề nghị quy định rõ hành vi nghiêm cấm “Cản trở hoạt động hợp pháp hoặc hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về giao dịch điện tử”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, bổ sung các ý kiến xác đáng của ĐBQH đảm bảo đầy đủ, rõ ràng các hành vi nghiêm cấm và được thể hiện như dự thảo Luật.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm “Làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nội dung này đã được điều chỉnh ở các luật như: Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng…Do đó, xin không bổ sung hành vi nghiêm cấm nêu trên vào dự thảo luật.
3 loại chữ ký điện tử
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử; đề nghị làm rõ các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử không?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay, các hình thức mã xác thực giao dịch qua tin nhắn điện tử (SMS), xác nhận mật khẩu dùng một lần (OTP), Token OTP, sinh trắc học, định danh người dùng bằng phương thức điện tử (eKYC)…được sử dụng tương đối phổ biến trong GDĐT.
Tuy nhiên, các hình thức này chỉ được coi là chữ ký điện tử khi kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận chủ thể ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký quy định tại dự thảo luật.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử”.
Ngoài ra, dự thảo luật đã phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng theo 3 hình thức: chữ ký điện tử chuyên dùng; chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng công vụ để áp dụng cho các đối tượng có nhu cầu khác nhau.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về chữ ký điện tử chuyên dùng khi sử dụng phải đăng ký với Bộ TT&TT trong khi chữ ký điện tử này chỉ dùng trong nội bộ của tổ chức. Có ý kiến đề nghị có thể đưa ra các yêu cầu cụ thể về chữ ký điện tử chuyên dùng thay vì phải đăng ký và xin chấp thuận. Có ý kiến đề nghị quy định chi tiết việc đăng ký chữ ký điện tử chuyên dùng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng chữ ký điện tử chuyên dùng do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, không được kinh doanh dịch vụ về chữ ký điện tử chuyên dùng. Chữ ký điện tử chuyên dùng phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký điện tử theo quy định.
Dự thảo luật không quy định chữ ký điện tử chuyên dùng đăng ký với Bộ TT&TT. Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký điện tử chuyên dùng để khẳng định giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chuyên dùng của mình.
Để làm rõ hơn nội dung này, trong dự thảo luật đã bổ sung theo hướng: “Trường hợp tổ chức sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng để giao dịch với tổ chức, cá nhân bên ngoài hoặc có nhu cầu công nhận chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn thì đăng ký với Bộ TT&TT để được cấp chứng nhận chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn”.