Nhiều vấn đề "nóng" đang gây bức xúc trong dư luận được cử tri phản ánh như tình trạng giá thuốc chênh lệch, nhiều loại thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo không nằm trong danh mục BHYT... VietNamNet đăng tải tuyến bài Kiến nghị cấp bách và lời hồi đáp từ Bộ trưởng Y tế để phản ánh những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực y tế và ý kiến phản hồi từ Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.
Cử tri Đà Nẵng phản ánh hiện nay, tình trạng hút thuốc lá điện tử đang diễn ra phổ biến và tràn lan trong các cấp học, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và việc học tập của học sinh. Cử tri thành phố này khi gửi ý kiến trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV kiến nghị cần xem xét, có chính sách nghiêm cấm việc bán thuốc lá điện tử cho học sinh; đồng thời, có giải pháp hạn chế việc nhập thuốc lá điện tử vào Việt Nam, cũng như có chế tài xử lý mạnh đối với các đơn vị cung cấp, buôn bán thuốc lá điện tử trái phép.
Trả lời kiến nghị này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay "đang có khoảng trống pháp lý" đối với sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác.
Theo người đứng đầu Bộ Y tế, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 chưa có khái niệm rõ về các sản phẩm mới này. Luật Đầu tư cũng chưa quy định thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hoặc thuốc lá mới khác thuộc danh mục cấm đầu tư kinh doanh hay danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang trở nên phổ biến, đặc biệt là trong nhóm tuổi thanh thiếu niên và học sinh. Sự gia tăng sử dụng sản phẩm này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mà còn tạo ra những hệ lụy xã hội phức tạp.
Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Điều tra về sử dụng thuốc lá mới ở nhóm học sinh THCS và THPT ở 11 tỉnh/thành, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.
Trước đây, các cơ sở y tế ít gặp bệnh nhân ngộ độc thuốc lá nhưng gần đây số lượng ngày càng tăng. Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám chữa bệnh, riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; riêng người dưới 18 tuổi có 71 ca, 10% trong số đó là nữ giới.
"Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử có thể chứa nhiều chất gây nghiện, độc hại, có nguy cơ gây tổn thương phổi, tim mạch và đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ ở thanh thiếu niên", Bộ trưởng Lan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Lan, các cơ quan chức năng mới chỉ bắt giữ, xử lý các sản phẩm này dưới hình thức kinh doanh hàng hoá không có hoá đơn, chứng từ, sản phẩm nhập lậu. Một số vụ việc đã xử lý hình sự nhưng chỉ khi phát hiện có chất ma tuý, chất cấm.
Bà Lan đánh giá "thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận rất quan tâm, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên". Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khỏe.
Tháng 5 năm nay, Bộ Y tế đã có báo cáo đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết cần phải "quy định cấm toàn bộ" việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
"Nếu chỉ đề xuất cấm người dưới 18 tuổi mua, bán, sử dụng; không bán cho người dưới 18 tuổi hay không sử dụng người dưới 18 tuổi mua, bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì công tác phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, tạo cơ hội cho trẻ em sử dụng thuốc lá và phát sinh các nguy cơ khác", Bộ trưởng Lan phân tích.
Trong khu vực ASEAN hiện có 5 nước cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, gồm: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.