Gửi ý kiến tới các ngành sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, cử tri tỉnh Đồng Nai phản ánh mỗi khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện các cấp đều phải mua một cuốn sổ khám bệnh mới "rất lãng phí", trong khi khám bác sĩ không ghi vào sổ mà sẽ in đơn thuốc, chỉ định ra từ máy tính. Do đó, cử tri kiến nghị Bộ Y tế bỏ thủ tục này bởi hiện nay bệnh viện đã công nghệ hóa, in ra bằng máy tính.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết tháng 5, Bộ Y tế đã ban hành Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID. Vào tháng 9, Bộ ban hành Hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID và các văn bản có liên quan khác để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai.
Sổ sức khoẻ điện tử VNeID được sử dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, cả loại hình khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, khám chữa bệnh từ xa.
Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND TP Hà Nội và các đơn vị thí điểm Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID tại Hà Nội. Bộ Y tế đang triển khai tại 8 tỉnh, thành; dự kiến tổ chức Hội nghị triển khai Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID toàn quốc trong tháng 10.
"Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện quy định để bỏ sổ khám bệnh, thay bằng Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Về quy trình sử dụng Sổ sức khỏe điện tử VNeID khi đi khám chữa bệnh, Bộ Y tế nêu ra 5 bước như sau:
- Bước 1. Đăng ký và tạo tài khoản, xác thực: người dân cần cài đặt ứng dụng VNeID và đã xác thực định danh mức độ 2, tích hợp thông tin thẻ BHYT (nếu có). Đăng nhập ứng dụng VNeID và truy cập vào ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, đọc điều khoản và nhấn “Đồng ý sử dụng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử VNeID”. Bổ sung đầy đủ các thông tin cá nhân như tên, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại, và thông tin y tế cơ bản khác.
- Bước 2. Khi đi khám chữa bệnh nếu có Sổ sức khỏe điện tử VNeID đề nghị xuất trình Sổ sức khoẻ VNeID thay cho sổ giấy.
- Bước 3. Cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận thông tin trong Sổ sức khỏe điện tử VNeID, bác sĩ, nhân viên y tế sử dụng thông tin có trong Sổ này để khai thác thông tin hành chính, ra quyết định hỗ trợ chẩn đoán, điều trị.
- Bước 4. Ghi nhận và liên thông kết quả khám, chữa bệnh.
- Bước 5. Đăng xuất ứng dụng.
Từng bước ứng dụng giấy chuyển tuyến điện tử, giấy hẹn khám lại điện tử
Cử tri Đồng Nai cũng cho biết hiện theo quy định bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tuyến trên phải làm thủ tục chuyển tuyến gây ra khó khăn. Có những trường hợp điều trị tuyến trên đã ổn định cần tái khám theo dõi định kỳ, bệnh nhân vẫn phải làm giấy chuyển tuyến từ trung tâm y tế huyện lên bệnh viện tỉnh, Trung ương. Việc xin thủ tục chuyển tuyến còn phức tạp, nhất là bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế cần xem xét đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Y tế cho biết giấy chuyển tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tránh ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và mất cân đối quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế. Vì thế, Bộ trưởng Y tế "mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ" quy định này.
Bà Lan cho biết thêm để cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho người bệnh, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đề xuất một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao người bệnh có thể đi khám tại cơ sở cấp trên mà không phải thực hiện thủ tục chuyển viện.
Với một số bệnh mạn tính, người bệnh sẽ được quản lý, theo dõi và cấp phát thuốc chuyên khoa như ở cấp cao hơn giúp người bệnh được điều trị thuận tiện, hưởng quyền lợi dù không phải chuyển lên cấp cao hơn. Đồng thời, Bộ Y tế đang từng bước ứng dụng giấy chuyển tuyến điện tử, giấy hẹn khám lại điện tử giúp người bệnh thuận tiện, kịp thời điều trị.