- "Tôi có điện thoại kết nối internet, có thể online 24/24h nên theo dõi facebook mọi lúc, mọi nơi khi có thể".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là Bộ trưởng đầu tiên công khai trang fanpage cá nhân. Bà chia sẻ với VietNamNet:

Thông tin chỉ trích không khó chịu

Theo dõi mạng xã hội có lẽ giờ là công việc thường xuyên của Bộ trưởng. Với một người bận rộn, đi lại như con thoi, Bộ trưởng quản lý fanpage như thế nào?

Từ khi công bố chính thức trang fanpage Bộ trưởng Y tế đến nay, để duy trì hoạt động của trang, cùng với tôi cũng có thêm các cộng sự trợ giúp. Tôi có điện thoại kết nối internet, có thể online 24/24h, nên có thể theo dõi và quản lý trang này mọi lúc, mọi nơi khi có thể.

Thường tôi kiểm tra thông tin của trang này vào thời gian nghỉ buổi trưa, buổi tối và thậm chí ngay cả khi đi trên ô tô.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bên hành lang Quốc hội

Cũng xin nói thêm, thời gian qua, qua trang fanpage Bộ trưởng Y tế và trang cá nhân, tôi rất vui mừng nhận được những câu hỏi, góp ý, tâm tư, nguyện vọng của các bạn. Tôi cho rằng, những phản ánh của các bạn hầu hết đều có lý, có tình.

Tuy nhiên, do thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của Bộ Y tế và của cá nhân, xin chỉ trả lời những câu hỏi được gửi qua inbox.

Có những câu hỏi chúng tôi sẽ trả lời ngay. Đối với những câu thuộc về chính sách, pháp luật, quyền lợi… liên quan đến chăm sóc sức khoẻ, chúng tôi sẽ chỉ đạo các vụ/cục, tổng cục và phối hợp với các bộ, ngành khác để trả lời các bạn.

Ngoài ra, đối với những phản ánh tinh thần, thái độ của cán bộ y tế, quy trình khám chữa bệnh… của  tuyến dưới, chúng tôi sẽ chuyển cho Sở Y tế và các đơn vị giải quyết, báo cáo Bộ để chúng tôi phản hồi các bạn.

Mạng xã hội là kênh giao tiếp đa chiều, mỗi thông điệp được đưa lên luôn nhận được nhiều luồng ý kiến. Bộ trưởng cân nhắc vấn đề này như thế nào và sẽ đối diện với những thông tin “khó chịu” ra sao?

Tôi lập trang fanpage với thông điệp "Lắng nghe & thấu hiểu", do đó nó cập nhật những thông tin mới trong lĩnh vực y tế và tiếp nhận những phản ảnh của quần chúng nhân dân.

Xác định mục đích như vậy nên khi tiếp nhận thông tin trái chiều, chỉ trích, tôi không cho rằng đó là thông tin “khó chịu”. Tôi cũng bày tỏ thông cảm với một số bạn do quá bức xúc nên đã có những từ ngữ “hơi mạnh”.

Tuy nhiên, khi đọc kỹ những comment, tin nhắn đó, tôi cho rằng có không ít thông tin mình cần lắng nghe, tiếp thu để từ đó cùng với các cộng sự tham khảo trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách cũng như đưa ra các chỉ đạo, điều hành cho sự phát triển của ngành. Đồng thời ngành y tế và tôi cần làm tốt hơn công tác truyền thông để cộng đồng hiểu rõ hơn về tính rủi ro nghề nghiệp, những khó khăn cũng như thành tựu, những hạn chế của ngành. Từ đó cộng đồng sẽ dần hiểu, chia sẻ, đồng hành và ủng hộ ngành.

Tôi nghĩ rằng, người chỉ ra những điểm yếu của bạn là bạn tốt vì từ đó mình sẽ hoàn thiện mình hơn.

Từng có tư lệnh ngành công khai số điện thoại cá nhân, sau đó nhiều sự việc được giải quyết nhanh chóng. Vậy nguyên do nào Bộ trưởng còn đắn đo công khai số điện thoại cá nhân trên fanpage mà chỉ để số điện thoại đường dây nóng?

Tôi không nghĩ là cần phải công khai số điện thoại di động, bởi mỗi người có một cách tiếp nhận thông tin khác nhau. Nếu tôi công khai số điện thoại, có những lúc các bạn gọi mà tôi đang họp, đang đi cơ sở, đang đi công tác nước ngoài… không tiện trả lời điện thoại sẽ gây khó chịu cho các bạn.

Do đó, tôi nghĩ trang fanpage là kênh liên lạc hữu hiệu để chúng ta cùng tiếp cận thông tin và chia sẻ, trao đổi với nhau về những vấn đề cùng quan tâm.

{keywords}
Trang fanpage của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng với gần 190.000 lượt thích sau 3 tháng hoạt động

Sở dĩ tôi để số điện thoại đường dây nóng trên trang fanpage vì hiện nay Bộ Y tế đã phân cấp quản lý, người đứng đầu trong đơn vị phải chịu trách nhiệm về tất cả những hoạt động xảy ra trong đơn vị, đồng thời đường dây nóng của Bộ cũng phân theo 3 cấp (Bộ, Sở và bệnh viện). Do đó, khi các bạn gọi phản ánh đến đường dây nóng, đường dây nóng sẽ chuyển tiếp theo đúng thẩm quyền để người đứng đầu đơn vị giải quyết kịp thời.

Xúc động với lá thư của con gái liệt sĩ Gạc Ma

- Vừa qua, việc Bộ trưởng giúp đỡ con gái chiến sỹ Gạc Ma khiến rất nhiều người cảm động. Tuy nhiên việc yêu cầu một cơ quan địa phương sắp xếp nhân sự bất thường một cách công khai có thể khiến nhiều người ghen ghét hoặc xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Trước khi quyết định, Bộ trưởng có cân nhắc điều này?

Trước hết, khi nhận được thông tin báo cáo từ các đồng sự về lá thư của cháu Phan Thị Trang - con gái liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma kể về hoàn cảnh gia đình, tôi thực sự xúc động, và nghĩ mình nên làm gì đó để chia sẻ với những mất mát của gia đình cháu.

Ngay sau đó, tôi đã chỉ đạo bộ phận chức năng xác minh thông tin và được biết trường hợp hoàn cảnh của cháu Trang là có thật. Từ đó, Văn phòng Bộ có công văn gửi Sở Y tế Nghệ An đề nghị “xem xét, hỗ trợ và bố trí việc làm cho cháu Phan Thị Trang tại cơ sở y tế gần nhà để thuận tiện cho việc chăm sóc người thân trong gia đình, đồng thời tạo cơ hội cho cháu được cống hiến cho xã hội”.

{keywords}

'Người chỉ ra điểm yếu của bạn là bạn tốt'

Tôi được biết, sau khi nhận được công văn, Sở Y tế Nghệ An đã báo cáo UBND tỉnh và UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở xem xét trường hợp cháu Trang. Trên cơ sở nhu cầu công việc thực tế của BV đa khoa Diễn Châu, nguyện vọng và khả năng đáp ứng với yêu cầu công việc của cháu Trang, Sở đã bố trí cho cháu vào làm việc tại đây.

Quay trở lại câu hỏi của bạn “trước khi quyết định, tôi có cân nhắc?”, tôi khẳng định ngay trước khi chỉ đạo Văn phòng Bộ làm công văn gửi Sở, cá nhân tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng và tôi thấy chỉ đạo của mình là hợp tình, đúng đắn, bởi lẽ:

Thứ nhất, công văn của Bộ đã thực hiện đúng phân cấp quản lý nhà nước về tuyển dụng viên chức nhà nước (chúng tôi chỉ đề nghị xem xét), trên cơ sở các quy định hiện hành địa phương xem xét, tiến hành các thủ tục tuyển dụng, bố trí công việc phù hợp.

Thứ hai, cháu Phan Thị Trang là trường hợp đặc biệt. Cha của cháu đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, do đó cháu cũng như gia đình là đối tượng cần nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Đây là trách nhiệm của chúng ta đối với thân nhân các liệt sĩ.

- Từ trường hợp này và những trường hợp được giúp đỡ trước đó, Bộ trưởng có lo ngại sẽ có tình trạng ồ ạt những người gửi thư xin giúp đỡ tương tự?

Thời gian qua, trang fanpage của tôi cũng đã nhận được một số trường thư xin giúp đỡ xin việc.

Tuy nhiên, tôi không lo ngại điều bạn hỏi vì việc tuyển dụng viên chức, công chức phải theo đúng luật Viên chức, công chức và quy định của Bộ Nội vụ, trừ những trường hợp rất đặc biệt như của cháu Phan Thị Trang.

Thúy Hạnh - Ảnh: Lê Anh Dũng