Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa có công văn trả lời cử tri các tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, liên quan kiến nghị xem xét giảm hoặc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Theo cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 1/7, mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng, mức đóng bảo hiểm y tế tăng, ảnh hưởng rất lớn đối với người dân, người làm nông, làm thuê không có thu nhập ổn định...

Với mức lương cũ, mức đóng BHYT là 972.000 đồng/người/năm, hiện nay là 1.263.600 đồng/người/năm. "Trong thời gian 1 năm, mức phí tăng liên tục gây khó khăn cho người tham gia BHYT", theo ý kiến của cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu gửi tới Bộ Y tế.

Cử tri tỉnh này kiến nghị Chính phủ, các ngành Trung ương cần có giải pháp phân loại mức phí tham gia BHYT cho từng đối tượng hoặc có chính sách hỗ trợ để người nông dân, người lao động tự do có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế, ổn định cuộc sống.

Còn cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp hỗ trợ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng giảm hoặc giữ nguyên mức đóng BHYT cho người đóng BHYT theo hộ gia đình.

W-the-bhyt-pham-hai.jpg
Bộ trưởng Y tế mong cử tri "thấu hiểu và ủng hộ chính sách BHYT", tích cực tham gia BHYT để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật. Ảnh: Phạm Hải

Trả lời ý kiến cử tri, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng BHYT hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Hiện nay, mức đóng BHYT là 4,5%.

Theo Bộ trưởng Lan, mức đóng BHYT được quy định dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân. Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia BHYT, pháp luật quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, Nghị định số 146/2018 quy định mức đóng như sau:

- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.

- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất.

- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.284 USD/năm. Bộ trưởng Lan cho rằng với phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng BHYT hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng.

Trong công văn trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh trên, Bộ trưởng Y tế mong cử tri "thấu hiểu và ủng hộ chính sách BHYT", tích cực tham gia BHYT để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.

Tới hết năm 2023, Việt Nam có khoảng 93,6 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35%. Nước ta phấn đấu tới năm 2025 mức độ bao phủ BHYT là 95% dân số. 6 tháng đầu năm 2024, tổng số người tham gia BHYT là 92,1 triệu người, theo thông tin của Bộ Y tế trong báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Y tế tổng kết 15 năm thực hiện chính sách BHYT (2009-2024) phiên bản mới nhất vào tháng 9.

Nhóm 1, đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động và người lao động đóng, có hơn 15,18 triệu người (đạt khoảng 95% so với số người thuộc diện phải tham gia); số chưa tham gia tập trung chủ yếu trong doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân…

Nhóm 2, do cơ quan BHXH đóng, có hơn 3,36 triệu người.  

Nhóm 3, do ngân sách Nhà nước đóng, có hơn 28,2 triệu người.

Nhóm 4, do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng, có gần 21,9 triệu người.

Với nhóm người thuộc hộ gia đình cận nghèo, có hơn 1,34 triệu người tham gia BHYT; Với nhóm học sinh, sinh viên, đến hết 30/6 có hơn 15,7 triệu người (tỷ lệ bao phủ khoảng 97,2%). Người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, có hơn 3,46 triệu người. 

Nhóm 5, tham gia BHYT theo hộ gia đình có hơn 23,48 triệu người, đạt khoảng 73% trên tổng số người thuộc diện tham gia.