Nhiều vấn đề "nóng" đang gây bức xúc trong dư luận được cử tri phản ánh như tình trạng giá thuốc chênh lệch, nhiều loại thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo không nằm trong danh mục BHYT... VietNamNet đăng tải tuyến bài Kiến nghị cấp bách và lời hồi đáp từ Bộ trưởng Y tế để phản ánh những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực y tế và ý kiến phản hồi từ Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.
Trong ý kiến gửi trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, cử tri Phú Yên kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm có chính sách hỗ trợ, trợ cấp những người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan dẫn theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế, người bệnh được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng đối với các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư, hóa chất thực tế sử dụng cho người bệnh, áp dụng chung cho tất cả đối tượng không phân biệt mức độ nặng của bệnh.
Hiện nay, nhiều bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn đã được Quỹ BHYT thanh toán với tỷ lệ chi trả cao, nhiều trường hợp được thanh toán đến 100%.
Bộ trưởng Y tế khẳng định mức đóng BHYT tại Việt Nam còn thấp nhưng phạm vi quyền lợi đã được mở rộng hơn rất nhiều quốc gia có mức đóng và điều kiện kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi quyền lợi phải bảo đảm khả năng cân đối Quỹ và tiếp cận công bằng, bình đẳng của người tham gia BHYT.
"Với điều kiện hiện nay, việc thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo mà đa phần là các thuốc, kỹ thuật có chi phí lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cân đối Quỹ, đồng thời ảnh hưởng đến việc chi trả BHYT cho nhiều người bệnh khác", Bộ trưởng khẳng định.
Người đứng đầu Bộ Y tế cũng nhìn nhận thực tế, đa phần người mắc bệnh hiểm nghèo, chạy thận nhân tạo đều trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bên cạnh chi trả của Quỹ BHYT, theo Bộ trưởng Lan, cần huy động sự hỗ trợ từ ngân sách, các nhà hảo tâm để hỗ trợ phần đồng chi trả của người bệnh (5-10-20% phạm vi được hưởng).
Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ người bệnh nghèo đã được ban hành. Đơn cử, Nghị định số 75/2023 của Chính phủ quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quyết định đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ đồng chi trả cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Theo đó, UBND tỉnh có thể căn cứ vào điều kiện của địa phương để quy định mức hỗ trợ phần đồng chi trả còn lại cho người mắc bệnh hiểm nghèo.
Cùng đó, Bộ Y tế đã phê duyệt một số chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí lớn mà Quỹ BHYT có quy định tỷ lệ thanh toán để giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh.
Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT
Bà Lan cũng khẳng định tới đây Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT (hiện mức đóng hàng tháng là 4,5% mức lương cơ sở, theo quy định của Luật tối đa là 6% - PV) để tăng nguồn kinh phí cho Quỹ Bảo hiểm y tế.
Cùng đó, rà soát, cập nhật danh mục thuốc hợp lý, tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, lãng phí Quỹ để có điều kiện tăng phạm vi chi trả đối với các thuốc, vật tư, dịch vụ kỹ thuật có chi phí lớn để giảm bớt khó khăn cho người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.
Thực tế, trong Nghị quyết số 218 của Chính phủ ban hành ngày 18/12/2023, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì phối hợp một số bộ, ngành tăng mức đóng BHYT theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân.
Trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 182.600 ca mắc mới và hơn 122.000 người tử vong vì ung thư. Hiện còn khoảng 350.000 người đang sống chung với căn bệnh này. Đây là gánh nặng rất lớn.
Bộ Y tế cho biết theo thống kê năm 2023, chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ BHYT là gần 6.200 tỷ đồng.
Riêng với ung thư cổ tử cung, một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chi phí điều trị trung bình/năm của bệnh nhân ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 89,8 triệu, 136,9 triệu, 138,4 triệu và 136,8 triệu đồng/năm. Số tiền người bệnh và BHYT đồng chi trả khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ tốn kém hơn rất nhiều.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cứ sau 10 năm chi phí điều trị bệnh ung thư tăng 1,5-2 lần vì người bệnh được tiếp cận với những phương pháp chẩn đoán và điều trị mới tiên tiến hơn, áp dụng các xét nghiệm hiện đại, phẫu thuật cập nhật kỹ thuật mới.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, người bệnh ung thư phải đương đầu với nhiều khó khăn chồng chất, đặc biệt là các trường hợp không có thẻ BHYT. "Nếu không có sự hỗ trợ tài chính kịp thời, nhiều bệnh nhân không thể tiếp cận được các biện pháp điều trị hiệu quả cao cũng như không đủ khả năng theo đuổi những phương pháp điều trị tiên tiến", người đứng đầu ngành Y tế từng phát biểu.