- “Các ĐB ngồi đây đều biết, nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chả kê khai gì, nhà của họ toàn đứng tên con cái. Chính ĐB chúng ta trong này, nhiều người có khi kê khai còn không đúng nói gì đến nhân dân”, Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh nói.

Trong phiên thảo luận về dự án Luật thống kê (sửa đổi) sáng nay, Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh đã đưa ra nhiều nhận định thẳng thắn để “giải oan” cho ngành thống kê.

Ông cho hay, số liệu thống kê của ta chưa thể chính xác nhưng không đến nỗi "bóp méo" như nhiều người đang nghĩ.

“Tôi là Bộ trưởng KH&ĐT, tôi không chỉ đạo ai làm méo mó con số thống kê cả”, Bộ trưởng cam kết đồng thời khẳng định Bộ KH&ĐT chỉ là nơi tổng hợp lại, còn số liệu là từ các bộ ngành, địa phương gửi về.

Lưu ý phương pháp tính toán, số liệu đầu vào phải chính xác, Bộ trưởng khẳng định chắc chắn: “Cán bộ thống kê không có lợi ích gì về việc con số nhiều hay số ít”.

Theo ông, băn khoăn còn lại là số liệu đầu vào có chính xác và phải chế tài trách nhiệm người cung cấp số liệu cho cán bộ thống kê.

“Các ĐB ngồi đây đều biết là rất nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chả kê khai gì, nhà của họ toàn đứng tên con cái và cũng chả kê khai. Chính ĐB chúng ta trong này, nhiều người có khi kê khai còn không đúng nói gì đến nhân dân”, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn nói. Ông cho rằng số liệu về nhà ở chưa chắc đã đúng.

“Không thể một mình một chợ”

Nêu bất cập về hệ thống chỉ tiêu Việt Nam rất khác quốc tế, Bộ trưởng chỉ ra Việt Nam đang tồn tại 2 hệ thống là hệ thống chỉ tiêu quốc gia và hệ thống chỉ tiêu các bộ ngành.

{keywords}
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nhiều ĐBQH có khi kê khai không đúng nói gì đến nhân dân

Theo ông, cần làm rõ đâu là chỉ tiêu quốc gia, đâu là chỉ tiêu các bộ, ngành. Hệ thống chỉ tiêu quốc gia phải là hệ thống chỉ tiêu mang tính chất cốt lõi nhất, căn bản nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế, chứ không phải là “một mình một chợ”.

Khi đưa ra chỉ tiêu phải có khả năng thống kê, đo đếm, có phương pháp, chứ không phải là đưa ra rồi ngồi phác thảo, áng chừng con số rất nguy hiểm. Đã đưa ra một chỉ tiêu thì phải kiểm soát được con số từ cơ sở đưa lên và phải có người chịu trách nhiệm.

Theo Bộ trưởng Vinh, Bộ đang chịu trách nhiệm công bố 70 đến 80 chỉ tiêu thống kê/185 chỉ tiêu thống kê. Ông không đồng tình với ý kiến cho rằng để các bộ, ngành chuyên môn công bố số liệu thống kê sẽ khách quan hơn.

“Cái ông làm ra thành tích ấy thì thường con số không khách quan, bởi người ta vẫn muốn con số đẹp, vì vậy mới cần thống kê độc lập để có con số chính xác”, ông Vinh phân tích.

“CPI thấp có khi công lớn là của thế giới”

Bộ trưởng KH&ĐT cũng nêu lên bất cập về thời gian công bố số liệu thống kê hiện nay khiến ngành thống kê rất trăn trở và làm cho xã hội, dư luận hiểu sai về thống kê.

Đây cũng là khác biệt của Việt Nam là điều hành theo kế hoạch hóa. Trong khi các nước có cơ quan dự báo, và dự báo thì thay đổi xoành xoạch thì Việt Nam lại làm thống kê theo kế hoạch.

“WB tháng trước người ta đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 3,4%, nhưng tháng sau họ lại đưa ra dự báo 3,7%. Trong khi chúng ta dự báo trước cả năm trời, ví dụ hôm nay ngồi đây nhưng dự báo CPI cho cả năm 2016”, ông dẫn chứng.

Bộ trưởng Vinh cũng cho biết đã từng đề nghị Chính phủ không nên đưa chỉ tiêu CPI vào kế hoạch hàng năm và 5 năm nữa, vì CPI phụ thuộc cả thế giới.

“Giá dầu giảm xuống 40 USD là CPI cả thế giới giảm ngay, chúng ta làm sao biết được giá dầu tăng giảm thế nào, vậy mà ngồi đây dự báo CPI đến cuối năm 2016 thì không có căn cứ”, ông Vinh diễn giải.

Tuy nhiên, ông cho hay, Chính phủ bàn đi bàn lại vẫn đưa con số CPI vào.

“Vậy nên cứ đưa ra một con số to to vào để mà làm. Giá dầu giảm, chúng ta không ai lường trước được, tất cả hàng hóa đều giảm, CPI giảm. Chính vì vậy có lần phát biểu tôi nói CPI giảm cũng là công lao hệ thống chính trị làm tốt nhưng nhiều khi cũng là công lớn của thế giới”, ông chia sẻ.

Thu Hằng - Ảnh: Hoàng Long