Chiều nay, ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Thứ  trưởng Nguyễn Thành Hưng và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong Bộ đã có buổi làm việc với Cục Tin học hóa.

Tại buổi làm việc, cùng với việc báo cáo kết quả hoạt động của đơn vị thời gian qua, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc cũng cho biết kế hoạch công tác trọng tâm của Cục trong giai đoạn sắp tới như: triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước theo Quyết định 1819 của Thủ tướng Chính phủ; Triển khai thực hiện Nghị định 43 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Duy trì, cập nhật, công bố khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam…

Bên cạnh kiến nghị thúc đẩy ban hành Nghị định thay thế Nghị định 102 ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn của cơ quan nhà nước, Cục Tin học hóa cũng đề xuất Bộ trưởng quan tâm, kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và các bộ,  ngành liên quan ưu tiên bố trí kinh phí cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của của các bộ, ngành, địa phương, góp phần triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Đặc biệt, Cục Tin học hóa cũng kiến nghị Bộ trưởng cho phép sau khi Nghị định thay thế Nghị định 102 được ban hành, Cục sẽ đề xuất Bộ TT&TT ban hành Thông tư hướng dẫn về đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong đó quy đinh phương pháp đánh giá, công cụ đánh giá và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham giá đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao hoạt động của Cục Tin học hóa với vai trò là đơn vị chủ trì  tham mưu cho Bộ trong việc hoạch định chính sách, thực thi chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. “Cục đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để xây dựng kịp thời nhiều văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động đầu tư, vận hành, khai thác sử dụng các dự án CNTT trên toàn quốc”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, Cục Tin học hóa cũng đã thực hiện tốt việc triển khai tổ chức bộ máy, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng được một đội ngũ cán bộ cơ bản đoàn kết, thống nhất, từng bước đi vào hoạt động ổn định và khẳng định được vai trò, vị trí của của Cục: là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CNTT tại hầu hết các quy trình xử lý, chuyển tải, theo dõi, đánh giá các nhiệm vụ được giao bảo đảm luôn hoàn thành đúng tiến độ, đúng kế hoạch.

Cùng với việc tổ chức tốt việc triển khai chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và thẩm định, gốp ý kịp thời cho kế hoạch của các địa phương, góp phần quan trọng trong việc phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin quốc gia và thúc đẩy chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, theo đánh giá của Bộ trưởng, thời gian qua Cục Tin học hóa cũng đã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương triển khai các giải pháp, phần mềm, cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, các giải pháp phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, qua đó góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ  quan nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng người dân, doanh nghiệp. “Phải nói là vai trò của Bộ với các địa phương có đóng góp rất quan trọng của Cục Tin học hóa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám  sát, đánh giá hoạt động ứng dụng CNTT, cung cấp thông  tin và dịch vụ công trực tuyến, quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước,  theo đánh giá của Bộ trưởng, cũng đã được Cục Tin học hóa thực hiện bài bản, thường xuyên, góp phần bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án CNTT tại các bộ, ngành, địa phương.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Tin học hóa trong thẩm quyền đã được phân cấp, cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất xây dựng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án thuộc lĩnh vực ứng dụng CNTT. Cục cũng cần chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung,  hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, đồng thời quyết liệt triển khai nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương. Tập trung nguồn lực, bám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn  vị liên quan, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ để kịp thời hoàn thiện, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xây dựng chính sách.

Bộ trưởng đề nghị Cục Tin học hóa tập trung nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước gắn với việc đổi mới phương thức điều hành, cải cách hành chính, tạo sự kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương thông qua các quy chuẩn kỹ thuật và khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, chú trọng phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức và làm cho hoạt động ứng dụng CNTT trở thành nhu cầu thực sự cần thiết của mỗi cơ quan, đơn vị.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Tin học hóa sớm nghiên cứu và đề xuất các tiêu chí, phương pháp, công cụ đánh giá tính hiệu quả của các dự án ứng dụng CNTT, đặc biệt là việc quản lý, vận hành dự  án sau đầu tư nhằm đảm bảo sử dụng nguồn lực nhà nước một cách hợp lý, khai thác triển để những tính năng ưu việt mang lại; tránh việc đầu tư dàn trải, manh mún, chạy theo thành tích, không cân đối giữa nhu cầu và thực tế triển khai.

Cục Tin hóa cần phối hợp chặt chẽ và tích cực trao đổi, làm việc với các cơ quan, đơn vị trong Bộ và các Bộ, ngành, địa phương để tạo sự  đồng thuận, thống nhất chung trong nhận thức và tăng cường chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau  trong quá trình triển khai do mỗi cơ quan, đơn vị thường có đặc thù riêng trong hoạt động ứng dụng CNTT; nâng cao hơn  nữa vai trò của các Sở TT&TT là đầu mối chủ trì, tham mưu cho chính quyền địa phương vận hành hệ thống cung  cấp thông tin, dịch vụ công của tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng cũng cho rằng, thời gian tới, Cục Tin học hóa cần chủ động đề xuất, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị có liên quan trong Bộ tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các nội dung mới như thành phố thông minh (smartcity) và Internet vạn vật (Internet of Things); qua đó đẩy mạnh hơn nữa vị thế của Cục nói riêng và góp phần nâng cao vị thế của Bộ nói chung trong lĩnh vực ứng dụng CNTT.

Đồng thời, Cục cần tiếp tục tích cực thực hiện vai trò thường trực và chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ của Hội đồng Giám đốc CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; đồng thời thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp bố trí phù hợp, linh hoạt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữa khối tham mưu và các đơn vị sự nghiệp trong Cục nhằm phát huy những điểm mạnh và lựa chọn những cán bộ ưu tú cho các hoạt động hoạch định chính sách.

"Cục Tin học hóa cần đặc biệt quan  tâm đến việc phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, quản lý, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ công nhân viên, quan tâm hơn nữa các hoạt động Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, chú trọng công tác thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến, chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để xây dựng được một đội ngũ cán bộ có năng lực, sáng tạo, chuyên nghiệp, đoàn kết, thống nhất, đơn vị trong sạch, vững mạnh", Bộ trưởng nhấn mạnh.