Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kinh nghiệm thực tiễn tại Bộ Công thương cho thấy, bên cạnh việc lựa chọn các dịch vụ công có lượng hồ sơ lớn, tác động trực tiếp đến người dân để triển khai thì phải làm cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến trở nên dễ sử dụng, dễ tiếp cận nhất có thể. Ảnh: Soha.vn |
Thông tin trên được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo Quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương do Bộ TT&TT phối hợp với Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện có 292 thủ tục hành chính cấp trung ương được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên tại Cổng dịch vụ công của Bộ, thu hút 31.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Trong số này có 122 dịch vụ đã được cung cấp ở mứ độ 3 và 44 dịch vụ ở mức độ 4.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, trong năm 2019, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 1,54 triệu hồ sơ điện tử qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó, số lượng hồ sơ gửi qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 chiếm 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ Công thương trong năm 2019. Cụ thể, có khoảng 1,31 triệu hồ sơ ở mức 3 và trên 225.400 hồ sơ gửi qua dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.
Cũng trong năm 2019, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 192.000 hồ sơ điện tử thông qua Cơ chế Một cửa quốc gia. Bộ Công thương đã phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) kết nối thành công và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 6 nước trong khu vực với tổng số 137.580 hồ sơ điện tử đã trao đổi trong năm 2019.
Nói về những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, ngoài quyết tâm thực hiện với những quan điểm đổi mới thì ngay từ bước đầu, Bộ Công thương đã lựa chọn những thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ lớn và tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp để triển khai thành dịch vụ công trực tuyến.
Bộ trưởng lấy dẫn chứng cụ thể về Hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi (đang cung cấp ở mức độ 3 với trung bình khoảng 1 triệu bộ hồ sơ/năm) hay Hệ thống khai báo hóa chất nhập khẩu (đang cung cấp mức độ 4 với trung bình 50.000 bộ hồ sơ/năm).
Bên cạnh việc lựa chọn những thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ lớn, ưu tiên của Bộ Công thương khi triển khai các dịch vụ công trực tuyến là khuyến khích người dùng. Điều này được thực hiện thông qua việc thiết kế hệ thống kỹ thuật dễ sử dụng nhất để người dùng thấy được ưu thế của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. “Nhiều trường hợp chúng ta làm nhưng doanh nghiệp và người dân cảm thấy khó khăn trong cách tiếp cận dịch vụ trên trực tuyến nên còn e ngại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, khi triển khai trong thực tiễn cần phải đồng bộ, kiên quyết trong việc thực hiện, tạo thuận lợi tối đa và phải có hướng dẫn, tổ chức cho người dân tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời Bộ Công thương cũng khuyến khích người sử dụng thông qua việc chủ động ban hành những văn bản, quyết định cá biệt nhằm thúc đẩy việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thông qua việc giảm thời gian xử lý hồ sơ hay giảm bớt các thông tin cần khai báo.
Cũng với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, trong công tác triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ Công Thương đã chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, tác động trực tiếp người dân, doanh nghiệp để đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Theo chia sẻ người đứng đầu ngành Công Thương, Bộ đã kết nối kỹ thuật thành công 2 nhóm dịch vụ công là Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi và thủ tục Đăng ký hoạt động khuyến mại lên Cổng dịch vụ công quốc gia trước thời điểm khai trương. Đây đều là các nhóm thủ tục có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn nhất của Bộ Công Thương.
Theo thống kê, hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp khai báo dưới hình thức trực tuyến đối với các nhóm thủ tục này. Tính đến cuối tháng 12/2019, Bộ Công Thương đã đưa tổng cộng 131 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ cho đông đảo người dân, doanh nghiệp.