- "Sau hàng loạt sự cố, môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa" - Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá.

Giải trình trước QH chiều nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để giải quyết căn cơ vấn đề môi trường cần phải thay đổi cơ cấu kinh tế, thay thế nền kinh tế thâm dụng vào vốn tài nguyên tự nhiên, thâm dụng vào chi phí môi trường.

“Sau hàng loạt sự cố, chúng ta nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy việc đổi mới chính là xác lập vị trí mới cho môi trường” - Bộ trưởng đánh giá.

Ông nhận định, lâu nay môi trường thường đi sau phát triển, nhưng giờ phải đi trước và nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược quy hoạch. Môi trường cần phải được đầu tư ngay từ đầu.

Theo ông, ngay sau sự cố môi trường biển tại miền Trung, Chính phủ đã tiến hành rà soát toàn bộ nguồn thải trong quá trình phát triển kinh tế trước đây.

{keywords}
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình trước QH (Ảnh: Hoàng Anh)

"Hiện nay đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, giấy, dệt, nhuộm...”, Bộ trưởng thông tin.

Dựa theo những số liệu này, ông Hà cho biết thời gian tới cần các biện pháp quyết liệt, nghiêm túc trong việc thực hiện nghiêm luật môi trường.

“Sắp tới chúng tôi cũng đề xuất sửa luật Môi trường, sửa luật Đầu tư và doanh nghiệp trong đánh giá tác động môi trường, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường”, lời Bộ trưởng.

Kiến nghị ngân hàng quỹ đất

Liên quan đến vấn đề kiểm kê đất trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Hồng Hà cho biết, ngành TN&MT đã phối hợp cùng Bộ Tài chính bố trí hơn 600 tỉ đồng để đo đạc, lập bản đồ địa chính. Bước đầu 10 địa phương đã hoàn thành.

Theo ông Hà, cơ chế chính sách về đất đai thời gian tới cho phép sử dụng đất hiệu quả, cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện, Bộ TN&MT đang cùng ngành NN&PTNT đề ra các phương án giải quyết.

“Ngoài ra chúng tôi đang đề xuất phương án thành lập ngân hàng về quỹ đất bao gồm đất hoang hoá, đất chưa có nhu cầu sử dụng do nhà nước đứng ra quản lý”, người đứng đầu ngành môi trường cho biết .

Thúy Hạnh (clip: VTV)