- Một gia đình gồm hai vợ chồng già cùng con trai đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Họ xem rất kỹ từng hiện vật, không bỏ sót các dòng giới thiệu. Trước khi ra về, người chồng ghi lại những dòng lưu niệm trong căn “vườn ký ức” của Bảo tàng. Người vợ kể cho chúng tôi một kỷ niệm với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. 

{keywords}
Gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Chuyện lọt tên một nữ sinh 

“Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Nam Định. Sau khi học xong phổ thông, tôi học khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội, rồi trở thành cô giáo trong suốt 35 năm và đã nghỉ hưu năm 2005. Có một câu chuyện tôi nhớ mãi không bao giờ quên.

Năm 1963 tôi tốt nghiệp cấp 2 (trường Trần Đăng Ninh). Tôi học giỏi, điểm thi tốt nghiệp xuất sắc nên thuộc diện được tuyển thẳng vào cấp 3, lại được vào thẳng trường Lê Hồng Phong, hồi đó chưa phải là trường chuyên nhưng cũng có danh tiếng. Cả nhà phấn khởi, còn tôi sung sướng chờ ngày khai giảng năm học mới.

Nhưng rồi có một chuyện bất ngờ…

Đến ngày trường cấp 3 niêm yết danh sách thí sinh dự thi, bố tôi, vốn tính cẩn thận, giục con gái lên trường xem. Bố tôi, sinh năm 1897, là giáo viên tiểu học lão thành của Nam Định.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Vinh Quy. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Khi đọc danh sách thí sinh được tuyển thẳng, tôi  chẳng thấy tên mình đâu. Trống ngực đập mạnh, tôi vội vàng len sang phía danh sách thí sinh dự thi. Đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn chẳng thấy tên Nguyễn Thị Vinh Quy đâu cả. Tôi bắt đầu hoảng. 

Mấy người bạn thân kéo tôi vào văn phòng nhà trường hỏi xem sao và được giải thích là tôi không đủ tuổi vào học năm nay, về học lại lớp 7 hoặc chờ sang năm vào học. Cả lũ tròn xoe mắt ngạc nhiên: tôi sinh năm 1949, bằng tuổi các bạn, sao lại không đủ tuổi? 

Thì ra hồi đó người ta tính tuổi cho học sinh thi vào cấp 3 theo ngày khai giảng năm học, tức là từ tháng 9 năm này đến tháng 9 năm sau. Tôi sinh đầu tháng 12, thiếu mất mấy tháng. 

Và lá thư gửi Bộ trưởng Giáo dục

Bố tôi buồn lắm. Cụ đi khắp nơi trình bày, lên Ty Giáo dục Nam Định, đến trường cấp 3 Lê Hồng Phong, quay về trường cấp 2 Trần Đăng Ninh, hy vọng được xem xét chiếu cố vì tôi là con của một nhà giáo đã cống hiến cho ngành hơn 40 năm, và nhất là với học lực như thế mà phải lưu ban thì oan uổng quá. Nhưng đến đâu cũng chỉ một câu trả lời: “Đã là quy định rồi, không thay đổi được”. 

Bố tôi vô cùng thất vọng, nhưng cụ không chịu bó tay. Cụ đọc cho tôi viết một bức thư để gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Lời lẽ là của cụ, còn chữ viết là của tôi. Phần địa chỉ người gửi thì ghi đầy đủ, rõ ràng nhưng phần người nhận thì vẻn vẹn có mấy chữ:

Kính gửi: Ông Nguyễn Văn Huyên

Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Hà Nội

Bố tôi bảo: “Chẳng biết thư có đến tay Bộ trưởng hay không với những dòng địa chỉ như thế (vì chúng tôi không được biết điều gì cụ thể hơn); vả lại nếu nhận được thư thì Bộ trưởng có giải quyết cái việc cỏn con của bố con mình không vì chắc ông còn bận trăm công nghìn việc”. 

Chỉ mấy ngày sau, chúng tôi nhận được thư trả lời, góc trái phía trên của bì thư có đóng dấu của Văn phòng Bộ Giáo dục. Bóc thư ra, bố tôi thoáng thất vọng vì đó vẫn là lá thư mà bố con tôi gửi đi hôm trước.

Nhưng thật bất ngờ, bên lề của trang đầu lá thư có chữ viết tay của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và chữ ký của ông. Nội dung ngắn gọn: “Chuyển Văn phòng xem xét và giải quyết trường hợp này”. Bố tôi thốt lên: “Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng”. 

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thăm trường Đại học Vinh năm 1959 

Tôi vội cầm lá thư lên trường và nhà trường cũng cho biết là Ty Giáo dục đã gửi công văn về nói đã nhận được ý kiến của Bộ trưởng, Ty chấp nhận trường hợp của tôi nhưng với điều kiện tôi phải dự thi chứ không được tuyển thẳng.

Cũng chiều hôm đó tôi nhận được giấy báo thi. Chỉ còn một ngày nữa là thi. Mọi người lo cho tôi. Ngay cả tôi cũng vậy, vừa mừng lại vừa lo. Và tôi đã thi tốt: Toán 9,5; Văn 7 điểm.

Mỗi lần có bạn bè thân đến chơi, nhất là những đồng nghiệp đã nghỉ hưu như mình, bố tôi lại kể: “Cháu Quy nhà tôi được vào trường Lê Hồng Phong rồi đấy. May nhờ ông Huyên chứ không thì lỡ dở hết cả chuyện học hành. Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng”…

{keywords}
Bút tích cảm nhận của gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy khi thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Gia đình chúng tôi vẫn giữ mãi bức thư và chữ viết của Bộ trưởng trên đó. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng đối với tôi, đây là một kỷ niệm không bao giờ quên về một vị bộ trưởng đáng kính mà tôi chưa một lần được gặp mặt”.

Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Vinh Quy