- “Bộ GTVT sẽ nghiên cứu theo hướng bỏ việc DN phải đăng ký xin phép với 2 Sở GTVT nơi đi/đến. Sở GTVT phải có trách nhiệm thực hiện công tác hậu kiểm. Nếu không đảm bảo theo yêu cầu thì sẽ cho dừng…,” Bộ trưởng Thăng nói.

Nhiều vướng mắc trong quản lý vận tải đã được các doanh nghiệp (DN) vận tải nêu ra tại Hội nghị đối thoại với các DN trong lĩnh vực vận tải sáng 20/7 do Bộ GTVT tổ chức.

Nhiều DN tìm cách đối phó quản lý lái xe

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Điện Biên cho rằng, hiện nay, có nhiều quy định siết chặt công tác quản lý lái xe để đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, một số vấn đề chưa phù hợp nên trong thực tiễn vẫn còn nhiều DN vận tải tìm cách đối phó.

Cụ thể, có quy định, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp bảo hiểm cho người lao động. Nhưng theo ông Mạnh, số đơn vị vận tải chấp hành chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Thực tế, tại Điện Biên có 8 doanh nghiệp vận tải nhưng bình quân chỉ có 5% doanh nghiệp nộp bảo hiểm cho lái xe.

{keywords}

Quy hoạch luồng tuyến vận tải cố định đang nhận được sự đặc biệt quan tâm của các DN vận tải. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng cho rằng, việc khám sức khỏe, cấp giấy phép lái xe giường nằm… vẫn đang là nút thắt gây khó khăn cho hoạt động của đơn vị vận tải.

“Thời hạn khám sức khỏe cho lái xe hiện nay là 6 tháng, nên chăng cần tăng tới một năm. Lái xe điều khiển xe khách giường nằm phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm nhưng chưa chắc đã lái xe ở đâu bao giờ.

Chúng tôi đề nghị giảm xuống còn một năm kinh nghiệm và tập trung ‘siết’ chặt công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, tích lũy số km an toàn… để các cơ quan Nhà nước kiểm tra, hậu kiểm, tránh tình trạng đối phó từ lái xe hay doanh nghiệp” - ông Mạnh thẳng thắn nói.

Bộ GTVT cho biết, với lái xe khách giường nằm, Bộ sẽ nghiên cứu theo hướng giảm thời gian 3 năm kinh nghiệm, siết chặt đào tạo đầu ra. Với khám sức khỏe lái xe, sẽ quy định thời hạn là một năm nhưng phải đảm bảo nghiêm túc.

Không vì lý do quản không được mà cấm

Liên quan đến quy hoạch luồng tuyến vận tải cố định, đại diện nhiều DN vận tải cho rằng, các tuyến vận tải khách liên tỉnh khi được chấp thuận phải có ý kiến của các địa phương nên thủ tục thường lâu và rất phiền hà.

Vì thế, nhiều chủ DN kiến nghị chỉ cần đăng ký một trong hai nơi đi và nơi đến.

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho rằng, quy hoạch luồng tuyến là mối quan tâm rất lớn của DN vận tải, trong đó có câu chuyện chấp thuận tuyến giữa hai Sở GTVT của nơi xe đi và đến.

“Quy hoạch luồng tuyến chính là xóa bỏ chấp thuận tuyến. Nếu bỏ được thì tháo gỡ cho các DN rất nhiều vướng mắc, giảm bớt chi phí, thủ tục”, ông Lập nói.

Giải đáp ngay vướng mắc của các DN vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng “truy” các Sở GTVT địa phương có cần có ý kiến xác nhận chấp thuận tuyến của hai Sở này không?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội quả quyết cần có sự thống nhất giữa các Sở vì đây là đầu mối cuối cùng quản lý các luồng tuyến chạy theo đúng quy hoạch tuyến.

“Trên tuyến, biểu đồ vận tải sẽ có nhiều đơn vị vận tải tham gia. Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp đăng ký chạy cùng luồng tuyến thì sẽ phá vỡ quy hoạch. Do đó, các Sở chính là các trọng tài để can thiệp. So với trước đây, thủ tục cấp phép đã giảm đi rất nhiều...” ông Linh cho biết.

Phản bác lại ý kiến của Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, quy hoạch luồng tuyền thì sẽ nắm bắt được luồng tuyền của phương tiện chạy qua địa bàn. Nhà nước phải có trách nhiệm công bố quy hoạch luồng tuyến, DN đăng ký hoạt động.

“Bộ GTVT sẽ nghiên cứu theo hướng bỏ việc DN phải đăng ký xin phép với 2 Sở GTVT nơi đi/đến. Sở GTVT phải có trách nhiệm thực hiện công tác hậu kiểm. Nếu không đảm bảo theo yêu cầu thì sẽ cho dừng…,” Bộ trưởng Thăng nói.

Trước những ý kiến đóng góp của các DN vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ xin tiếp thu và sẽ giải đáp các thắc mắc của DN, bởi hiệu quả của DN cũng là hiệu quả của quản lý Nhà nước, của ngành giao thông vận tải, không vì lý do không quản được mà cấm.

Vũ Điệp