Theo Reuters, tại buổi gặp gỡ các doanh nhiệp Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc sau cuộc tiếp xúc với ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu cho Chủ tịch Tập Cận Bình vào sáng 7/7, bà Yellen hối thúc Bắc Kinh theo đuổi các cải cách thị trường nhiều hơn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ tiết lộ, bà đến Trung Quốc để tăng cường giao tiếp và hướng tới một "mối quan hệ ổn định, mang tính xây dựng" giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, quan chức này cảnh báo, Mỹ sẽ hành động để bảo vệ các lợi ích cũng như an ninh quốc gia. Washington và các đồng minh cũng sẽ chống lại "các hành vi kinh tế không công bằng".

“Chúng tôi tin tưởng rằng, lợi ích tốt nhất của cả hai nước là đảm bảo chúng ta có các đường dây liên lạc trực tiếp và rõ ràng ở cấp cao. Trao đổi thường xuyên có thể giúp hai bên giám sát các rủi ro kinh tế và tài chính vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với ‘những cơn gió ngược’ như cuộc xung đột Nga - Ukraine hay những tác động kéo dài của đại dịch", bà Yellen nhấn mạnh.

Bà Yellen cho biết sẽ nói rõ với các quan chức Trung Quốc rằng, Washington không tìm cách tách biệt hoàn toàn 2 nền kinh tế. Nhưng bà sẽ bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh mở rộng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và các công ty trong nước; các rào cản tiếp cận thị trường đại lục đối với các công ty nước ngoài và "những động thái trừng phạt" gần đây đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Bắc Kinh đối với gallium và germanium, những khoáng chất quan trọng được dùng trong các ngành công nghệ như chất bán dẫn. Theo bà Yellen, Washington vẫn đang đánh giá ảnh hưởng của động thái này và nhấn mạnh sự cần thiết của "các chuỗi cung ứng linh hoạt và đa dạng".

Theo giới quan sát, chuyến đi của bà Yellen là một trong nhiều chuyến công du nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, sau khi quân đội Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu Trung Quốc ngoài khơi bang Nam Carolina hồi đầu tháng 2 vì cáo buộc do thám xứ sở cờ hoa.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến đại lục hồi tháng trước, đồng thời nhất trí với ông Tập rằng sự cạnh tranh giữa hai nước không nên dẫn đến xung đột. John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tháng này.

Các nỗ lực thúc đẩy ngoại giao của Washington diễn ra trước thềm cuộc gặp có thể được tổ chức giữa ông Biden và ông Tập sau hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 tại New Delhi, Ấn Độ vào tháng 9 hoặc hội nghị hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tại San Francisco, Mỹ vào tháng 11.