- Giải trình trước QH về tình hình nợ công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận: “Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là đúng”.

Sáng nay, QH thảo luận tại hội trường về tình hình đầu tư công trung hạn và nợ công giai đoạn 2016 - 2020.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, báo cáo thẩm tra đã phản ánh cơ bản tình hình nợ công - đó là nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ cao. Còn về đầu tư công, chất lượng chuẩn bị thấp, chưa khắc phục tình trạng dự án chuẩn bị sơ sài...

{keywords}

ĐB Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: VPQH

Tuy báo cáo đã thẳng thắn nhìn vào sự thật nhưng ĐB Phương nhận định vẫn còn thiếu những điều cơ bản. Cụ thể là các vấn đề về hiệu quả đầu tư thực tế của dự án là bao nhiêu, bao nhiêu dự án thua lỗ, cần xem xét đề nghị điều tra truy tìm nguyên nhân hậu quả xử lý. Tìm được nguyên nhân mới truy trách nhiệm cá nhân xử lý, chặn tình trạng thất thoát vốn hiện nay. 

Tiêu tan trên 30.000 tỷ nhưng mới bắn “chỉ thiên”

Ông dẫn chứng 5 dự án: bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất… đã làm tiêu tan trên 30.000 tỷ. Trong đó Gang thép Thái Nguyên đầu tư tăng hơn 2 lần (từ 3.800 tỷ lên 8.100 tỷ đồng); Bột giấy Phương Nam từ 1,4 tỷ USD lên 3,4 tỷ USD, vốn điều chỉnh tăng thêm 2,3 lần. 

“Kiểu báo cáo, thẩm tra như trên chỉ là “bắn chỉ thiên”, chỉ nêu ra cái chung chứ chưa đưa ra được trách nhiệm cá nhân, không tạo ra đột phá làm chuyển biến nhận thức về vốn đầu tư thời gian tới; đặc biệt là về chống tham nhũng, lãng phí”, ĐB Quảng Bình lưu ý.

ĐB Phương đề nghị bổ sung nguyên tắc bổ sung vốn đầu tư cần cân nhắc, rà soát đúng đối tượng. 

“Đề nghị Bộ trưởng Tài chính cần làm rõ nguyên nhân nợ công, áp lực nợ hiện nay, khả năng “nhì thời nhà dột, thứ ba nợ đòi”, tâm lý người dân Việt Nam là lo nợ, trả nợ càng nhiều thì càng lo”, ông nói. 

ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM) cũng kiến nghị, chính quyền các cấp cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách, tài khóa, xóa cơ chế xin cho, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình độc lập, kiên định mục tiêu giảm bội chi. 

Đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp hoạt động, khuyến khích thành lập các tập đoàn mang thương hiệu quốc gia…

Sửa luật để đảm bảo an toàn nợ công

Giải đáp các thắc mắc của các ĐB, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ ra 3 nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.

{keywords}

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quốc Anh

Đó là tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch; giá trị GDP không đạt theo dự toán; tái cơ cấu đầu tư công, DNNN, ngân hàng không đạt yêu cầu.

Trong khi đó, mức chi vẫn giữ theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm QH cùng với tăng tỷ lệ bội chi ở mức cao để tăng cho đầu tư phát triển... 

“Nợ công về tuyệt đối tăng lên 1,2 triệu tỷ đồng, nợ công tăng nhanh là hoàn toàn đúng”, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận.

Để khắc phục tình trạng nợ công tăng nhanh, Bộ trưởng Tài chính đưa ra giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, ngân sách. Cụ thể là thời gian tới CP sẽ trình QH sửa đổi luật Quản lý nợ công. Hiện Chính phủ đang rà soát lại chiến lược nợ công và chính sách về thuế theo đề án đảm bảo an toàn nợ công. 

Cùng với đó là thực hiện tái cơ cấu nợ công, đẩy mạnh nợ trong nước hiện là 57% và nợ nước ngoài 43%; tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công mà 2 năm qua đã làm tốt.

T.Hằng - H.Nhì