Chiều 19/6, sau khi nghe tờ trình và thẩm tra dự án Luật Phòng không nhân dân (PKND), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này.
Theo tờ trình, công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m đang được nhiều quốc gia hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi máy bay không người lái (UAV) đang được nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới với hiệu quả chiến đấu cao.
Dự thảo luật nêu rõ nhiệm vụ PKND là phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m.
Phát biểu tại tổ, giải thích lý do tại sao chỉ quản lý độ cao này, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, các phương tiện bay dù siêu nhẹ, có động cơ, bay nhanh, bay chậm thì trong khoảng cự ly đó mới hoàn thành được rất nhiều nhiệm vụ. Nếu cự ly cao hơn thì hiệu quả khác ngay, khả năng trúng mục tiêu cũng khác.
Trước đó, đại biểu Phan Như Hiệp (Thừa Thiên - Huế) dẫn điều 11 dự thảo luật "lực lượng thực hiện nhiệm vụ PKND được tổ chức thành các khẩu đội, trung đội, đại đội pháo phòng không, súng máy phòng không; các đài, vọng quan sát phòng không, các tổ bắn mục tiêu bay thấp bằng súng bộ binh và tổ chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ".
ĐB cho rằng nên trang bị phương tiện khác, ví dụ như tên lửa vác vai trang bị của lực lượng PKND, bởi hiệu quả rất cao, có thể phục kích, sử dụng khi xung đột xảy ra.
Trước đề xuất này, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết nếu đưa vào luật cần có thời gian, bởi sản xuất ra tên lửa vác vai là một vấn đề khó. Bộ trưởng nhận định đây là phương án tốt, tuy nhiên việc huấn luyện, sử dụng tên lửa vác vai để bắn trúng mục tiêu thì không đơn giản. Người sử dụng cũng phải có kiến thức về quân sự, có trình độ về huấn luyện.
Bộ trưởng nhấn mạnh "phương tiện chiến tranh ngày hôm nay hiện đại, ngày mai có thể đã lạc hậu". Vì vậy dự thảo luật không nêu khái niệm chi tiết, "càng chi tiết thì càng thiếu", tuy nhiên cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu bổ sung.
Còn Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết UAV hiện được coi như phương tiện tác chiến rất hiệu quả, ít tốn kém. Một UAV chỉ có giá trên một trăm, thậm chí vài chục triệu đồng có thể tiêu diệt được mục tiêu hàng triệu USD và không hề có rủi ro về sinh mạng.
Loại hình vũ khí này được sử dụng rất rộng rãi trong các cuộc chiến tranh hiện đại. Quân đội các nước sử dụng cả trong trinh sát, tiến công thậm chí đối với mục tiêu sâu trong lãnh thổ đối phương rất hiệu quả.
Với nước ta, UAV là phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng rất rộng rãi, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Song việc sử dụng phương tiện này cho mục đích vi phạm pháp luật ngày càng tăng, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và an toàn hàng không.
Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, riêng năm 2023, tại các quận nội thành Hà Nội, lực lượng của quân đội đã phát hiện xử lý trên 1.500 tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm.
Ở biên giới, lực lượng buôn lậu sử dụng máy bay không người lái rất nhiều để phát hiện lực lượng chức năng. Ngoài ra, có vụ tội phạm ma túy còn dùng flycam để vận chuyển ma túy.
Tuy nhiên, trong Luật Hàng không dân dụng và Luật Đầu tư chưa quy định kinh doanh, sản xuất UAV và phương tiện bay siêu nhẹ là ngành nghề có điều kiện. Do đó, cơ quan quản lý chưa có thiết chế chặt chẽ trong xuất, nhập khẩu mặt hàng này.
“Tàu bay nếu sử dụng không đúng mục đích sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn hàng không. Nên dự luật đã đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý đăng ký và phép bay”, ông Cương nói.