Hội nghị được kết nối trực tuyến tới hơn 70 điểm cầu trong khu vực ASEAN.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong xã hội hiện nay, năng lực số là không thể thiếu đối với mỗi học sinh. Năng lực số ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất học tập, việc tìm kiếm nguồn tài liệu học tập, khả năng kết nối tri thức cũng như phát huy năng lực sáng tạo vượt ra khỏi phạm vi một lớp học hay trường học.
Do đó, việc rèn luyện kĩ năng số phải được triển khai từ sớm, ngay từ những cấp học đầu tiên ở các dạng thức đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
Nhận thức được vấn đề quan trọng này, ngành giáo dục Việt Nam tập trung trang bị cho học sinh những kĩ năng về chuyển đổi số ở mọi cấp học, hướng đến hình thành một thế hệ công dân số. Trong đó, môn Ngoại ngữ và Tin học đã đưa vào giảng dạy ngay từ đầu cấp tiểu học.a
Giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh thông qua việc học tập qua dự án và phát triển các không gian đổi mới sáng tạo trong trường học. Ngành giáo dục cũng đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ bậc mầm non đến phổ thông, trong đó không chỉ dừng lại ở những kĩ năng sử dụng, kiến thức công nghệ mà hướng đến phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại hội nghị. |
Cũng để đáp ứng những đổi mới, Bộ trưởng cho biết đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Trong nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học đã được các nhà trường áp dụng thường xuyên, liên tục.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các cuộc thi quốc gia thường niên về thiết kế bài giảng e-learning nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của giáo viên và tạo ra kho học liệu số toàn ngành với hơn 7.000 bài giảng có chất lượng.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, các nhà trường phải đóng cửa tạm thời để chống dịch, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, Bộ GD&ĐT chỉ đạo và hướng dẫn nhà trường nhanh chóng chuyển sang tổ chức dạy học trực tuyến; những nơi khó khăn áp dụng dạy học trên truyền hình. Đồng thời có hướng dẫn kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả dạy học trực tuyến.
Kết quả, đã có hơn 80% nhà trường áp dụng dạy học và đánh giá trực tuyến ở các mức độ khác nhau, đảm bảo thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020.
Ông Nhạ cũng đề nghị các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN chung tay xây dựng thống nhất bộ chuẩn kỹ năng nhân lực số trong khu vực, hướng đến một mặt bằng nhân lực số giữa các nước thành viên, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng kết nối, chia sẻ, tham gia nền kinh tế số, xã hội số không chỉ ở mỗi quốc gia mà còn trong toàn bộ cộng đồng ASEAN.
Theo ông Nhạ, trong tháng tới Bộ GD-ĐT Việt Nam sẽ phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN với chủ đề “Chuyển đổi kĩ năng số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong khu vực ASEAN” nhằm tăng cường thúc đẩy phát triển kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục của các nước thành viên ASEAN. Hội nghị sẽ là diễn đàn để tiếp tục thảo luận về các cơ hội, thách thức và triển vọng hợp tác đối với nội dung quan trọng này.
Hải Nguyên
Cơ hội để quyết liệt chuyển đổi số và dạy học trực tuyến
Mặc dù đối với phương thức dạy học trực tuyến, con người là quyết định nhưng một yếu tố không kém phần quan trọng để hoạt động này đạt hiệu quả chính là cơ sở vật chất như hạ tầng công nghệ thông tin, các trang thiết bị đầu cuối…