- Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo luật về Hội để trình QH vào kỳ họp sau.
Tại phiên tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH về dự án luật về Hội chiều nay, Trưởng ban soạn thảo, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong 49 ý kiến phát biểu tại hội trường, phần lớn đồng tình cần có luật này. Tuy nhiên ý kiến đồng thuận có, khác nhau có.
“Trong luật có 33 điều thì 32 điều được các ĐB cho ý kiến, duy còn điều 33 (điều luật thi hành)”, ông Tân nói.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân kiến nghị lùi thông qua luật về hội đến kỳ sau. Ảnh: VPQH |
“Cơ quan soạn thảo xin ghi nhận và tiếp thu, cùng cơ quan thẩm tra tổng hợp đầy đủ để báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng trong dự thảo luật mà các ĐB quan tâm”, ông Tân cho biết.
Ông Tân cho rằng do còn nhiều ý kiến chưa có sự đồng thuận cao, còn tranh luận, đặc biệt những điều quan trọng từ 4-12 nên cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo.
“Đề nghị chủ toạ và QH xem xét để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cho thật chu đáo, đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao thì mới thông qua. Sau kỳ họp này, chúng tôi sẽ cùng UB Pháp luật hoàn chỉnh dự thảo để trình trong kỳ họp sau”, ông Tân kiến nghị.
Chốt lại, Phó Chủ tịch QH Uông Chu lưu cho rằng đây là dự án luật quan trọng, rất khó, có phần nhạy cảm.
“Sau đây UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ. UBTVQH sẽ có văn bản báo cáo trước QH trong phiên họp tới với tinh thần phải chuẩn bị được một luật tốt về hội”, Phó Chủ tịch QH nói.
Hội không được liên kết, nhận tài trợ nước ngoài?
Điều 8 của dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến phản biện, quy định hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định, quy định này nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước.
Nêu ý kiến, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, quy định này hơi “cứng nhắc”.
ĐB Cao Đình Thưởng không nên quy định cứng nhắc về việc không được nhận tài trợ nước ngoài. Ảnh: VPQH |
Ông Thưởng cho rằng chỉ nên quy định không nhận tài trợ nước ngoài khi làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Lấy dẫn chứng thực tế, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng nếu quy định vậy chắc chắn sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hội và hạn chế việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, cứu trợ của các tổ chức quốc tế, phục vụ cho mục đích nhân đạo tại Việt Nam.
Bà đặt vấn đề “Trường hợp cứu trợ khẩn cấp thiên tai, chiến tranh phải xin phép Chính phủ qua các bộ, ngành thì liệu có kịp thời xử lý trong các trường hợp khẩn cấp?”
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho rằng tài trợ và cứu trợ khác nhau. “Sau luật này nếu hội không cho phép nhận tài trợ thì nhiều hội sẽ nhận cứu trợ. Như vậy, quy định đặt ra không đạt được mục đích”.
ĐB kỳ cựu Dương Trung Quốc cũng cho rằng dự thảo luật còn nhiều vấn đề lúng túng, mâu thuẫn dù đã có 20 năm chuẩn bị.
“Giờ có khoảng 100 hội liên kết với nguồn lực bên ngoài trong 60.000 hội thì không lớn. Nếu sử dụng nguồn tài chính không sạch thì đã có luật khác để điều chỉnh”, ông Quốc nói.
Nhà nước nên cấp kinh phí cho các hội ĐB Quách Thế Tản (Hoà Bình) cho rằng việc Nhà nước không cung cấp nguồn hỗ trợ kinh phí cho các hội sẽ làm giảm sự cống hiến. “Tôi cho rằng nên có sự tính toàn từng bước. Với 28 hội cấp Trung ương hiện tại mỗi năm cũng chỉ 300-400 tỉ đồng. Nói nhiều nhưng cũng không nhiều lắm vì Hà Nội cắt cỏ còn tốn 700 tỉ đồng/năm nên số vài ba trăm tỉ cũng là sự đầu tư thoả đáng”, ông Tản nói. |
Thúy Hạnh - Thu Hằng